“Việt Nam và Indonesia là hai nền kinh tế phát triển nhanh chóng trong khu vực ASEAN, có nhiều điểm tương đồng và tiềm năng, dư địa hợp tác. Vì vậy, hai bên hoàn toàn có thể đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 18 tỷ USD ngay trong năm 2025 như lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra” - Đây là nhận định của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp Việt Nam - Indonesia khi nói về triển vọng hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai bên; cùng đó là rất nhiều giải pháp thiết thực để hiện thực hoá mục tiêu này.

Theo Bộ Công thương, năm 2005, kim ngạch thương mại Việt Nam và Indonesia duy trì ở mức rất khiêm tốn - khoảng 1 tỷ USD. Thế nhưng sau 20 năm, kim ngạch thương mại song phương đã tăng lên mức 16,7 tỷ USD vào năm 2024. Cùng đó, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Indonesia tăng từ 678 triệu USD năm 2005 lên 10,5 tỷ USD năm 2024 (tăng 15,5 lần); xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia tăng từ 439 triệu USD năm 2005 lên 6,2 tỷ USD năm 2024 (tăng khoảng 14 lần).
Đánh giá về thành tựu hợp tác kinh tế giữa hai nước, ông Trần Minh Hùng, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Indonesia, Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN nhấn mạnh: “Một điều rất đáng mừng là thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Indonesia những năm vừa qua tăng trưởng rất tốt. Hiện nay trong ASEAN, Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Indonesia. Thương mại hai nước đã vượt mốc 16 tỷ USD vào cuối năm 2024, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Indonesia ước đạt hơn 6 tỷ USD - mức cao nhất từ trước tới nay”.

Đồng quan điểm, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi cho rằng, nhiều chỉ số kinh tế đã cho thấy Indonesia và Việt Nam đang đi đúng đường hướng hợp tác, cùng xu hướng tăng trưởng đầu tư nhanh vào các lĩnh vực chiến lược, như phát triển hệ sinh thái xe điện, công nghệ số, các ngành công nghiệp công nghệ cao… Cụ thể hơn theo bà Phan Thị Diệu Linh, Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công thương), Indonesia đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đối với các mặt hàng như máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, các mặt hàng nông sản, mặt hàng sắt thép, hàng dệt may, da giày; phương tiện vận tải và phụ tùng. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này sang Indonesia đều đạt từ 400-500 triệu USD trở lên, với mức tăng trưởng từ 15-30%. Ở chiều ngựợc lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn từ Indonesia các mặt hàng nguyên liệu khoáng sản, các mặt hàng công nghiệp. Có 3 mặt hàng hơn 1 tỷ USD mà Việt Nam nhập khẩu từ Indonesia như than đá, sắt thép các loại và ô tô nguyên chiếc các loại.

Trong khi đó trong lĩnh vực đầu tư, hiện nay, Indonesia đã trở thành một thị trường đầu tư hấp dẫn của doanh nghiệp Việt Nam như: VinFast, Điện Máy Xanh, Vietnamairlines, Viet Jet, FPT... Tổng vốn đầu tư của Việt Nam vào Indonesia đến năm 2024 đạt gần 198 triệu USD với 26 dự án. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư của Indonesia vào Việt Nam đạt gần 670 triệu USD, với tổng số 130 dự án đang hoạt động. Tuy nhiên, bà Phan Thị Diệu Linh cho rằng, những con số này vẫn chưa phản ánh hết tiềm năng hợp tác của hai nước; đồng thời, dư địa để phát triển quan hệ kinh tế - thương mại song phương còn rất lớn. Bởi thực tế, tỷ trọng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước chỉ chiếm 2,1% trong tổng thương mại của Việt Nam với thế giới và 3,4% trong tổng thương mại của Indonesia với thế giới. Chỉ ra một số thách thức, bà Phan Thị Diệu Linh phân tích: “Mặc dù hợp tác giữa hai nước có nhiều dấu hiệu tích cực, nhưng vẫn còn không ít thách thức cần vượt qua như: Rào cản thương mại và thuế quan; sự khác biệt về thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng do khác biệt trong văn hoá, tôn giáo. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải điều chỉnh chiến lược sản phẩm để phù hợp hơn với thị trường Indonesia, một quốc gia có dân số lớn và đa dạng”.

Trong khi đó, cả Việt Nam và Indonesia đều phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia khác trong khu vực ASEAN, đặc biệt là từ các đối tác thương mại lớn như Thái Lan, Singapore và Malaysia. Vì thế, Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi cho rằng: “Để hiện thực hóa tầm nhìn chung, các bên liên quan cần khuyến khích hợp tác cùng có lợi, đặc biệt là trong kinh tế và phát triển. Chính phủ hai nước cần đánh giá các quy định thuế quan, phi thuế quan để tạo điều kiện cho sự hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Các doanh nghiệp cần tăng cường tương tác, tìm hiểu thị trường của nhau, đặc biệt trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và công nghệ”.
Đại sứ Indonesia Denny Abdi cho rằng, các trường đại học, viện nghiên cứu cũng cần thúc đẩy nhiều chương trình chung, trao đổi chuyên gia và hợp tác với doanh nghiệp để tạo ra những khám phá giúp tăng khả năng cạnh tranh của hai quốc gia. Cùng với đó, hai bên cần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, sâu sắc hơn về văn hóa, giá trị và quan điểm của mỗi quốc gia, làm nền tảng cho việc xây dựng hợp tác về mọi mặt – trong đó có kinh tế-thương mại giữa hai nước./.
Bình luận