Thế giới đã chao đảo trong 10 ngày qua do chính sách thuế quan thay đổi liên tục và bất ngờ của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm. Tại cuộc tọa đàm, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giu-liêng Ghe-ri-ê tuyên bố EU lấy làm tiếc về các quyết định đánh thuế của Mỹ với các nước đối tác. Trong kế hoạch áp thuế đối ứng của Mỹ, hàng hóa từ EU chịu thuế 25% và hàng hóa từ Việt Nam chịu thuế lên tới 46%. Với EU, việc Mỹ đơn phương đưa ra mức áp thuế mới là không công bằng và nó gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với kinh tế toàn cầu, như lạm phát tăng cao, làm gián đoạn chuỗi cung ứng... Đại sứ EU cũng cho rằng, mặc dù chính quyền của Tổng thống Trăm quyết định hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày và duy trì mức thuế 10% với hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ trong khoảng thời gian này, song điều đó vẫn cho thấy yếu tố bất định trong chính sách của Mỹ. Vì vậy, các bên nên lạc quan thận trọng và chuẩn bị các phương án ứng phó trước thực tế này. Đại sứ EU Giu- liêng Ghe-ri-ê chia sẻ về các kế hoạch ứng phó của EU: Đầu tiên, chúng tôi sẽ tìm các cơ hội và giải pháp đàm phán với Mỹ và đặc biệt là tập trung vào bảo vệ quyền lợi của EU thông qua các biện pháp đối ứng và đối kháng. Ưu tiên thứ hai của chúng tôi đó là đẩy mạnh các mối liên kết thương mại thông qua các FTA với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thứ 3, chúng tôi cũng sẽ có một số điều chỉnh trên cơ sở hợp tác với các đối tác của châu Âu để đa dạng hóa thị trường và bảo vệ quyền lợi của EU.
Chủ tịch Eurocham Bruno Jaspaert cho biết, Hiệp hội này đã tiến hành khảo sát nhằm đo lường những tác động của chính sách thuế quan Mỹ đối với doanh nghiệp. Dựa trên kịch bản xấu nhất, doanh nghiệp có thể mất khoảng 20% doanh thu nếu Việt Nam bị áp mức thuế cao. Khi nhận thức được các rủi ro, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng chiến lược phòng vệ, song việc điều chỉnh chiến lược kinh doanh sẽ đòi hỏi mất thời gian và nó không thể kịp với các thay đổi quá chóng vánh trong chính sách của Mỹ. Do đó, lời khuyên cho các doanh nghiệp là cần chờ đợi để quan sát các động thái của Mỹ trước những phản ứng của thị trường và chuỗi cung ứng, từ đó đánh giá đúng những cơ hội để có thể phát triển.
Tại cuộc tọa đàm, khi nhận định về những tác động của chính sách thuế quan Mỹ đối với các doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Lương Hiền, Phó Tổng Giám đốc, lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn chiến lược/Tư vấn thương vụ tại Công ty PwC Việt Nam cho rằng: Việt Nam là nền kinh tế dựa trên xuất khẩu rất nhiều. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa cho Mỹ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên chúng ta có 90 ngày để đàm phán thì tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ có dư địa để lập kế hoạch ứng phó, các doanh nghiệp cũng có 90 ngày để chuẩn bị, tránh gián đoạn chuỗi cung ứng và cân nhắc lợi thế cạnh tranh trên thị trường Mỹ.
Trước ý kiến lo ngại về những thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng 8% GDP của Việt Nam, Chủ tịch Eurocham Bruno Jaspaert vẫn đưa ra những nhận định lạc quan: Tôi cho rằng Việt Nam không phải bi quan. Việt Nam vẫn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng. Xuất khẩu có thể sẽ bị ảnh hưởng, song Việt Nam là quốc gia có tính tự cường, nền kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu cao và trước đây Việt Nam đã từng vượt lên những khó khăn còn lớn hơn hiện nay. Vì vậy, Việt Nam có thể đạt tăng trưởng 8% trong năm nay. Tôi rất khả quan về điều này.
Trong thời gian tới, để ứng phó với các tình huống khó lường về thuế quan, phía EU cho rằng, thị trường Mỹ là quan trọng khi chiếm tới 13% tổng thương mại toàn cầu, nhưng không phải là thị trường duy nhất. Do đó, các đối tác như EU và Việt Nam cần tích cực hợp tác để tạo ra những cơ hội giao thương mới, bù đắp những cơ hội đã mất đi. EU là một đối tác đáng tin cậy và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam: Là những người bạn của Việt Nam, chúng tôi đã chứng kiến các nỗ lực mà chính phủ Việt N am triển khai để giải quyết những vấn đề từ chính sách thuế của Mỹ. EU sẵn sàng cùng tạo ra lợi ích và chia sẻ rủi ro. Điều này đưa Việt Nam và EU lại gần nhau hơn! Thương mại tự do và công bằng nằm trong nguyên tắc của châu Âu và là xương sống cho sự thịnh vượng và khả năng cạnh tranh của chúng ta. EU là đối tác ổn định và đáng tin cậy. Và giống như Việt Nam, EU là người bảo vệ kiên định cho chủ nghĩa đa phương.
Các diễn giả tại buổi tọa đàm cũng lưu ý rằng, Việt Nam cần phát huy lợi thế của mình trong sản xuất trong nước, tránh phụ thuộc một nguồn cung, đồng thời tích cực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông và năng lượng, theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, nhằm ứng phó với môi trường bất định của kinh tế toàn cầu./.
Bình luận