THỜI SỰ - VOV1 THỜI SỰ - VOV1
Thứ Bảy, 5/4/2025
search
Thư viện nằm trên biên giới kết nối Mỹ - Canada
VOV1 - Thư viện & Nhà hát Haskell Free, tọa lạc ngay trên đường biên giới giữa Mỹ và Canada. Đây không chỉ là một kho tàng tri thức, mà còn là biểu tượng kết nối văn hóa, tình bạn giữa hai quốc gia láng giềng.

Một thư viện vô cùng đặc biệt – nơi mà chỉ cần một bước chân, bạn đã có thể đặt chân sang một quốc gia khác mà không cần hộ chiếu!  Đó chính là Thư viện & Nhà hát Haskell Free, tọa lạc ngay trên đường biên giới giữa Mỹ và Canada. Đây không chỉ là một kho tàng tri thức, mà còn là biểu tượng kết nối văn hóa, tình bạn giữa hai quốc gia láng giềng. Người dân từ cả hai phía đã tự do ra vào, cùng đọc sách, học tập và thưởng thức nghệ thuật tại đây suốt hơn một thế kỷ qua.  Nhưng gần đây khi quan hệ hai nước căng thẳng, những quy định siết chặt biên giới đang đe dọa sự tự do đặc biệt này.

Video Player is loading.
Current Time 0:00
/
Duration 0:00
Loaded: 0%
Progress: 0%
Stream Type LIVE
Remaining Time -0:00
 
1x

 

Đối với chị Allyson Howell, người Mỹ, thư viện quê nhà không chỉ là nơi mượn sách mà còn là không gian đặc biệt, nơi văn hóa Mỹ và Canada giao thoa và gắn kết hơn một thế kỷ. “Lúc này, tôi đang đứng ở Canada. Và nếu tôi bước sang, tôi sẽ đứng ở Mỹ, tại làng Derby Line quê tôi. Lâu nay, Canada là bạn của chúng tôi, họ không phải đối thủ".

Howell và nhiều người khác lo ngại sự gắn kết đó có thể thay đổi do một quy định mới được chính quyền Tổng thống Donald Trump ban hành trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước gia tăng.

Thư viện và Nhà hát Opera Haskell nằm trên ranh giới giữa làng Derby Line, Vermont (phía Mỹ) và thị trấn Stanstead, Quebec (Canada). Thư viện và nhà hát này được vợ chồng người Mỹ - Canada là Carlos Haskell và Martha Stewart Haskell xây bằng bằng đá theo phong cách Victoria từ năm 1904. Đây là món quà mà cặp vợ chồng này tặng cho người dân hai nước. Lối vào của tòa nhà này nằm ở phía Mỹ, nhưng từ lâu, thỏa thuận không chính thức giữa hai nước đã cho phép người Canada vào mà không cần hộ chiếu. Họ chỉ cần đi qua một lối đi bộ dẫn trực tiếp đến thư viện, được Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ giám sát.  Bên trong thư viện, có một đường kẻ trên sàn đánh dấu biên giới quốc tế, nhưng cư dân hai nước có thể tự do đi lại giữa các kệ sách.

Nhiều thập kỷ trôi qua, thư viện trở thành một địa điểm mà người dân từ cả hai nước gặp gỡ, nói chuyện. Đó có thể là nơi duy nhất mà các thành viên gia đình chia cắt bởi biên giới Canada-Mỹ có thể gặp nhau mà không cần phải thông qua các thủ tục hải quan phức tạp. Thư viện và nhà hát kịch Haskell Free cũng trở thành một địa điểm du lịch được nhiều người ghé thăm. Phần lớn là để chụp ảnh lưu niệm.

Tuy nhiên, theo quy định mới, chỉ những người Canada có thẻ thư viện và nhân viên mới có thể vào từ phía Mỹ. Tất cả những người khác phải sử dụng lối thoát hiểm ở phía Canada. Bắt đầu từ ngày 1/10, mọi công dân Canada sẽ phải vào từ phía biên giới nước mình hoặc qua trạm kiểm soát an ninh phía Mỹ. Những người thường xuyên đến thư viện như chị Howell cho rằng đây là thay đổi lớn so với truyền thống duy trì niềm tin lẫn nhau mà hai nước đã duy trì. “Quy định mới giống như một bước nữa trong việc xây dựng một hố sâu ngăn cách giữa hai quốc gia, một sự chia rẽ  làm giảm đi các giá trị thấu hiểu, và cả những mối quan hệ gắn kết giữa gia đình và cộng đồng nơi đây.”

Giống như nhiều cộng đồng biên giới nông thôn khác giữa Mỹ và Canada, nền kinh tế và văn hóa của thị trấn Derby và thị trấn Stanstead gắn kết chặt chẽ. Nhưng mối quan hệ này đã bị ảnh hưởng dưới thời Trump, khi ông áp đặt thuế quan và thắt chặt kiểm soát biên giới tại một số khu vực phụ thuộc lẫn nhau.

Theo cư dân hai bên biên giới, quy định mới của Mỹ đang đi ngược lại giá trị cốt lõi của thư viện là gắn kết cộng đồng qua giáo dục, nghệ thuật và văn hóa. Nói như bà Sylvie Boudreau, chủ tịch hội đồng quản trị thư viện, nơi đây là biểu tượng của sự đoàn kết: "Đây là một hệ thống dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Hơn 100 năm qua rồi, chưa từng có vấn đề gì xảy ra. Và tôi cũng chưa bao giờ thấy nhiều lời ủng hộ từ người Mỹ dành cho người Canada đến vậy. Và không ai đổ lỗi cho ai cả. Mọi người chỉ đang nghĩ rằng, chúng ta sẽ cùng nhau vững vàng hơn".

Những người yêu quý nơi này cho biết sẽ tiếp tục đấu tranh để giữ gìn giá trị mà địa điểm đặc biệt này đại diện – một nơi không chỉ là thư viện, nhà hát mà còn là cầu nối giữa hai quốc gia, giữa những con người không muốn để biên giới ngăn cách tình cảm giữa họ./.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận