Trong những năm gần đây, Chính phủ Nepal liên tục triển khai các sáng kiến mới nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là với trẻ em, về giảm thiểu rủi ro và phòng tránh thiên tai.
Tại Nepal, thảm hoạ tự nhiên thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn về người và của, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân. Theo thống kê, hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy mỗi năm do lở đất và lũ lụt, đòi hỏi quốc gia này phải có sự chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với thiên tai.
Thời gian qua, nhiều sáng kiến đã được triển khai để cải thiện năng lực ứng phó với thảm họa thiên nhiên. Một trong số đó là Chương trình giáo dục giảm thiểu rủi ro thiên tai (DRR) được tổ chức tại các trường học gần thủ đô Kathmandu, giúp các em học thông qua những hoạt động thú vị. Cụ thể, các em được học cách sử dụng chăn làm cáng khiêng người bị nạn, cách sơ tán an toàn nếu có hoả hoạn, hoặc học về những dụng cụ cần thiết khi có thảm hoạ thông qua các tấm thẻ. Bà Abha Awale, Hiệu trưởng trường cấp hai Bhassara, cho biết: "Việc trang bị cho trẻ em kiến thức và kỹ năng ứng phó với thiên tai là vô cùng quan trọng. Bởi các em không chỉ học mà còn giúp lan tỏa thông tin về giảm thiểu rủi ro thiên tai tới cả cộng đồng."
Các em học sinh này khi về nhà lại truyền đạt thông tin cho cha mẹ và những người hàng xóm, từ đó góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng cho cả cộng đồng. Ông Narayan Man Dangol, một người dân Nepal, cho biết, ông cảm thấy yên tâm hơn nhiều sau khi con trai mình được học cách ứng phó với thiên tai. “Trước đây tôi chỉ nắm được lý thuyết cơ bản về phòng chống thiên tai, nhưng nhờ con trai tôi tham gia Chương trình giáo dục về giảm thiểu rủi ro thiên tai, tôi đã hiểu rõ hơn về cách ứng phó thực tiễn. Gia đình tôi giờ đã chủ động trang bị đồ dùng khẩn cấp và tự thực hành các biện pháp an toàn.”
Mới đây nhất, Nepal vừa lắp đặt hệ thống dự báo lở đất bằng AI, ra mắt số điện thoại khẩn cấp miễn phí về thảm họa và giới thiệu Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó gió mùa toàn diện. Hệ thống AI mới - SAFE-RISCCS giúp phân tích hình ảnh vệ tinh và dữ liệu chuyển động mặt đất để dự đoán chính xác các vụ lở đất, còn đường dây điện thoại miễn phí nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa gió mùa. Trong khi đó, 'Kế hoạch Chuẩn bị và Ứng phó Gió mùa 2081 BS' lại nêu rõ các biện pháp bảo vệ hàng trăm nghìn người dân khỏi các mối nguy liên quan đến gió mùa.

Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ, nhưng Nepal vẫn phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Hạ tầng giao thông yếu kém, các khu dân cư đông đúc tại các vùng dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai và nguồn lực tài chính hạn chế đang là những rào cản lớn trong công tác ứng phó thảm họa. Ông Rajendra Sharma, Phó Bí thư Cơ quan Quản lý và Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai Quốc gia Nepal, cho biết: “Việc có được dữ liệu chính xác và đáng tin cậy đóng vai trò quan trọng trong dự báo và ứng phó thiên tai. Tuy nhiên, Nepal đang thiếu nguồn lực tài chính để phục vụ cho các hoạt động như cảnh báo sớm cũng như ứng phó trước thảm họa. Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới hay Liên Hợp Quốc để có thể giảm thiểu thiệt hại tối đa nhất về người và tài sản.”
Dù vẫn còn không ít khó khăn, Nepal đang cho thấy những bước tiến đáng kể trong công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng, cải thiện cơ sở hạ tầng và hợp tác với các tổ chức quốc tế là những yếu tố then chốt giúp quốc gia này xây dựng một nền tảng vững chắc hơn trước những mối đe dọa từ thiên nhiên.
Khánh Linh - Trang Linh
Bình luận