Mỹ phát triển đèn chiếu sáng giúp phục hồi rạn san hô
VOV1 -Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Ohio của Mỹ mới đây đã phát triển một loại đèn được gọi là Đèn thắp sáng tự động nhằm tăng cường sinh vật phù du dưới nước (UZELA), giúp bổ sung nguồn thức ăn, thúc đẩy quá trình hồi phục của san hô.

Theo nhóm nghiên cứu của trường Đại học bang Ohio, Mỹ, đèn thắp sáng tự động UZELA được đặt cố định tại một địa điểm và có thể hoạt động trong tối đa 6 tháng chỉ với một viên pin. Đèn UZELA phát sáng khoảng một giờ đồng hồ mỗi đêm theo lập trình để thu hút sinh vật phù du trong đại dương tìm đến, giúp san hô có nhiều thức ăn hơn. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm loại đèn này gần 2 rạn san hô ở đảo Hawaii. Sau khi đèn UZELA hoạt động, lượng sinh vật phù du tập trung về đây tăng gấp 7 lần, trong khi tốc độ kiếm ăn của san hô tăng từ 10 đến 50 lần. Bà Andréa Grottoli, tác giả chính của nhóm nghiên cứu chế tạo đèn UZELA và là giáo sư khoa học trái đất tại Đại học bang Ohio, Mỹ cho biết: “Chúng ta không giảm thiểu biến đổi khí hậu đủ nhanh để cứu san hô, và chiếc đèn chiếu sáng U-de-la sẽ không ngay lập tức cứu được rạn san hô bị hư hại. Nhưng đây là một giải pháp hữu hiệu , giúp chúng ta có thêm thời gian khi chúng ta hướng tới một môi trường bền vững hơn cho rạn san hô.”

Các rạn san hô tuy chiếm chưa đến 1% diện tích đại dương nhưng lại là nơi sinh sống của khoảng 1/3 các loài sinh vật biển. Các nhà khoa học hy vọng đèn UZELA sẽ đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực phục hồi san hô trong bối cảnh nhiều rạn san hô trên thế giới đang bị tẩy trắng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu. Bà Andréa Grottoli, tác giả chính của nhóm nghiên cứu chế tạo đèn UZELA và là giáo sư khoa học trái đất tại Đại học bang Ohio, Mỹ cho biết thêm: “Thật không may, các rạn san hô trên toàn thế giới đang bị suy giảm nghiêm trọng. Và đây là hậu quả của nhiều nguyên nhân, trong đó, có sự nóng lên của đại dương, môi trường đại dương bị ô nhiễm, a-xít hóa, con người đánh bắt quá mức và dịch bệnh. Sự nóng lên của toàn cầu là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với các rạn san hô, khiến các rạn san hộ bị tẩy trắng hàng loạt và đứng trước nguy cơ có thể biến mất, không phục hồi.”

Năm ngoái, Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ đã cảnh báo rằng thế giới đang trải qua sự kiện san hô bị tẩy trắng hàng loạt lần thứ tư, đó là khi san hô mất đi tảo cộng sinh cung cấp chất dinh dưỡng cho san hô do nhiệt độ vượt ngưỡng cực độ. Từ tháng 2 năm 2023 đến tháng 4 năm 2024, Cơ quan này đã phát hiện ra rằng khoảng 60,5% san hô toàn cầu đã bị tẩy trắng. Tẩy trắng có thể khiến san hô dễ bị bệnh và chết hơn. Trước nguy cơ này, các nhà nghiên cứu và các chuyên gia sinh vật biển bước đầu đã thành công trong việc dùng đèn ánh sáng để tập trung động vật phù du gần san hô, giúp san hô có thể lấy chất dinh dưỡng để hỗ trợ quá trình phục hồi của chúng. Hiện tại, các thiết bị đèn chiếu sáng UZELA mới chỉ hoạt động trong thời gian ngắn là 6 tháng, nhưng các nhà khoa học đang hợp tác với một công ty công nghệ địa phương để thiết bị này có thể hoạt động mở rộng hơn trong vòng từ một đến ba năm.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận