Liên minh châu Âu nỗ lực bảo vệ quyền lợi nông dân khi thỏa thuận với doanh nghiệp bán lẻ
VOV1 - Liên minh châu Âu đang đưa ra nhiều đề xuất nhằm bảo vệ quyền lợi của nông dân, đặc biệt là ở các trang trại nhỏ lẻ.

Ngoài những vấn đề như chi phí sản xuất tăng cao, biến đổi khí hậu, nông dân tại châu Âu ngày càng gặp khó khăn trên bàn đàm phán với các doanh nghiệp bán lẻ. Họ không có quyền mặc cả trên thị trường nên cũng là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất trong chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm. Trước tình hình đó, Liên minh châu Âu đang đưa ra nhiều đề xuất nhằm bảo vệ quyền lợi của nông dân, đặc biệt là ở các trang trại nhỏ lẻ. 

Giá hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng ở châu Âu là mức giá được đưa ra sau khi nông dân và các doanh nghiệp bán lẻ đã đàm phán kỹ lưỡng. Nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, mỗi doanh nghiệp đều cố gắng đưa ra mức giá thấp nhất cho người tiêu dùng. Để giá thành thấp, chi phí nhập hàng cũng phải thấp. Do đó, họ có xu hướng “ép giá” những người nông dân yếu thế để đạt được thỏa thuận có lợi cho mình. Chính những bất công này là một phần khiến nông dân tổ chức biểu tình trên khắp châu Âu vào năm ngoái. Nhiều người tiêu dùng cũng đồng tình và thông cảm với khó khăn của nông dân. 

- Nông dân cần được khuyến khích nhiều hơn, họ cần nhận được nhiều hỗ trợ hơn để tiếp tục công việc của mình. 

- Giá lương thực thực phẩm thì quá cao. Nhưng nông dân lại là những người chịu thiệt. Điều này thực sự không công bằng đối với họ. 

- Vì có trung gian là doanh nghiệp bán lẻ nên người nông dân thu được rất ít lợi nhuận.

Hiện nay, trên toàn châu Âu có khoảng 9 triệu trang trại, trong đó 2/3 hoạt động theo hình thức nhỏ lẻ, có diện tích dưới 5 ha. Điều này đồng nghĩa với việc, các trang trại nhỏ là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm của Châu Âu. Tuy nhiên, thị trường lại do một số doanh nghiệp bán lẻ và công ty lớn thống trị, khiến họ không có nhiều tiếng nói trên bàn thoả thuận. Ngoài ra, một mối quan tâm lớn khác của nông dân Châu Âu là biên lợi nhuận của họ bị thu hẹp do chi phí đầu vào như phân bón và thuốc trừ sâu tăng vọt, cuối cùng làm tăng chi phí sản xuất.

Để đảm bảo quyền lợi cho người làm nông, Uỷ ban châu Âu đang đưa ra các đề xuất nhằm tăng khả năng “mặc cả” của họ trên bàn đàm phán với doanh nghiệp bán lẻ. Trong đó có thể kể đến Thực hành thương mại không công bằng. Quy định này tuy đã được ban hành vào năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa thực sự được áp dụng đầy đủ. Theo đó, Ủy ban châu Âu muốn thực thi tốt hơn các quy tắc hiện hành về việc phạt thanh toán trễ, hủy đơn hàng vào phút chót đối với hàng hóa dễ hỏng và thay đổi hợp đồng đơn phương, cũng như ngăn chặn hành vi trả đũa thương mại. Ông Lennart Nilsson, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Hợp tác xã nông nghiệp tại châu Âu Copa Cogeca, cho biết: "Về bản chất, nông dân luôn ở vào vị thế yếu hơn khi thoả thuận với doanh nghiệp bán lẻ. Điều này là do các doanh nghiệp có tiềm lực lớn mạnh, còn những mặt hàng của nông dân lại phải đáp ứng nhiều yêu cầu về độ tươi mới và chỉ cung cấp được theo mùa. Một cách để hỗ trợ nông dân đó là cùng tạo thành các hợp tác xã. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất kỳ vọng các đề xuất mới của Uỷ ban châu Âu sẽ sớm được thông qua"

Trước đó, EU cũng đã đề xuất nới lỏng các điều kiện của thỏa thuận xanh để có thêm nguồn trợ cấp từ Chính sách nông nghiệp cho nông dân. Ngoài ra, cơ quan này cũng đưa ra yêu cầu các bên mua và bán phải có hợp đồng rõ ràng về thời gian, mức giá, chất lượng hay dịch vụ giao hàng. Đa phần các đề xuất này đều nhằm tạo sự minh bạch, tăng cơ hội đối thoại giữa tất cả các bên, để đảm bảo quyền lợi của nông dân, thúc đẩy cạnh tranh công bằng, cũng như nâng cao giá trị chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm của cả khối./.



 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận