Những cửa tiệm tạm thời này không chỉ là nơi mua sắm, mà còn mang đến trải nghiệm độc đáo, với các sự kiện giới hạn thời gian độc quyền. Tuy nhiên, nhiều người dân tại đây lại bày tỏ lo ngại rằng, sự thay đổi quá nhanh chóng đang khiến chợ truyền thống mất đi bản sắc vốn có.
- Tôi nghĩ một tiệm đồ ăn như thế này ở một khu chợ truyền thống thực sự là một cách tốt để mang đến một điều gì đó độc đáo và trải nghiệm thú vị.
- Tôi tới đây bởi vì họ sẽ đóng cửa chỉ sau một thời gian ngắn thôi và họ thường bán những sản phẩm đặc biệt trước khi dọn đi nơi khác.
Một cửa tiệm phục vụ món ăn truyền thống của Mê-hi-cô tại khu chợ 120 tuổi Gwangjang tại Hàn Quốc, một cửa hàng bán các loại mỹ phẩm hợp thời, một quầy tương tác với các nhân vật hoạt hình nổi tiếng, tất cả thu hút hàng trăm lượt khách tới mua sắm mỗi ngày. Tuy nhiên, họ sẽ phải rất khẩn trương bởi những gian hàng popup này chỉ mở cửa trong một khoảng thời gian ngắn. Ngay sau đó sẽ là những nhãn hàng khác, với các sản phẩm khác. Chính sự thay đổi liên tục cùng tâm lý “chậm thì hết hàng” là yếu tố hấp dẫn, thu hút rất nhiều người trẻ tuổi tới đây mua sắm. Sự phát triển của mạng xã hội cũng góp phần thúc đẩy xu hướng này, với các bài đăng về những trải nghiệm độc đáo tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Chị Chu Sang-mi, người điều phối các gian hàng pop up tại chợ Gwangjang, cho biết: "Ngày càng nhiều người từ những nơi xa tới đây để có trải nghiệm mua sắm tại các cửa tiệm popup. Tôi nghĩ đây là một cơ hội tốt để quảng bá những địa điểm truyền thống như là khu chợ này."

Không chỉ có chợ Gwangjang, một vài khu vực khác ở Seoul trước đây từng yên bình với các cửa hàng làm đồ thủ công truyền thống, giờ cũng thay đổi nhanh chóng sau sự xuất hiện của các cửa tiệm popup. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng, trào lưu mới này có thể làm ảnh hưởng đến bản sắc của các khu vực này. Việc liên tục tháo dỡ gian hàng để thay thế thương hiệu mới với cách bày trí mới tạo ra lượng rác thải đáng kể. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ lẻ, các thợ thủ công buộc phải rời khỏi đây vì không đủ khả năng chi trả giá thuê mặt bằng, trong khi cửa tiệm của họ cũng không hấp dẫn như các popup mới nổi nên lượng khách tới thăm ít hơn. Ông Yu Hong-sik, một thợ đóng giày thủ công cho biết: "Tôi phải chuyển cửa tiệm tới nơi khác vì giá đất lên cao nhanh quá. Giờ tiền thuê đã tăng gấp 10 lần so với khi tôi mới chuyển tới đây."
Với các cửa hàng popup tiếp tục xuất hiện trên khắp Seoul, xu hướng này có thể sẽ còn mở rộng hơn nữa trong tương lai. Một số chuyên gia xã hội học cho rằng, trào lưu popup mang đến sự năng động và hấp dẫn cho thành phố, thu hút nhiều du khách tới đây. Hiện điều quan trọng là làm thế nào để cân bằng giữa các gian hàng popup thời thượng với các cửa tiệm truyền thống vốn là bản sắc của đất nước Hàn Quốc./.
Bình luận