Thứ năm, 08:55, 13/02/2025
Dự án leo núi giúp các bệnh nhân vượt qua căn bệnh Parkinson tại Mỹ
VOV1 - Dự án leo núi UpEnding giúp người bệnh Parkinson chống chọi với căn bệnh và luôn giữ niềm hy vọng vào cuộc sống.

Parkinson là một trong những căn bệnh về rối loạn thoái hóa thần kinh phổ biến nhất trên thế giới, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của khoảng 10 triệu người bệnh. Không có cách để chữa khỏi Parkinson, nhưng việc tích cực rèn luyện thể thao có thể phần nào giúp chống chọi lại căn bệnh này, cũng như cổ vũ tinh thần người bệnh. Đây cũng là mục tiêu của dự án leo núi UpEnding, do ông Jonathan Lesin, một bệnh nhân Parkinson, sinh sống ở Maryland, Mỹ,  khởi xướng. 

Ông Jonathan Lesin từng là một bác sĩ gây mê tim rất thành công và là vận động viên thể thao phối hợp. Tuy nhiên, cách đây hơn 10 năm, ông buộc phải từ bỏ toàn bộ sự nghiệp khi phát hiện mình mắc căn bệnh Parkinson. Khi đó, ông đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm được một bài tập trị liệu vừa hiệu quả, vừa hấp dẫn, thú vị. Cho rằng, leo núi trong nhà có thể bao gồm những bài tập cho cả cơ thể và não bộ, lại vừa đảm bảo sự an toàn khi luyện tập, ông đã cùng chị Molly Cupka - quản lý trung tâm thể thao SportRock, thành lập một nhóm leo núi cho người bệnh Parkinson. 

Sau nhiều bài tập leo núi, các triệu chứng của ông Lesin bắt đầu cải thiện đáng kể. Từ lúc còn gặp khó khăn khi đi lại trong nhà, ông đã có thể dễ dàng leo lên đỉnh bức tường cao vài mét trong phòng tập. Ông Lesin chia sẻ: "Tôi muốn tập các hoạt động thô và cả những chuyển động nhỏ, cần sự khéo léo. Và leo núi khiến cho tôi cảm thấy mình có thể chinh phục được tất cả mọi điều đó. Khi lên đến đỉnh, tôi tự hào vì mình đã đạt được mục tiêu. Và bức tường cao đến như vậy cũng không thể làm khó được tôi". 

Chuyên gia trị liệu của ông Jonathan Lesin rất ấn tượng với kết quả này và đã giới thiệu dự án leo núi UpEnding với các bệnh nhân khác.  Rất nhanh chóng, dự án nhận được sự quan tâm của ngày càng nhiều người bệnh và dần lan rộng sang các phòng tập thể thao khác ở Virginia, Bắc Carolina và Ohio. Đến nay, số lượng thành viên đã tăng lên gần 80 người, thuộc nhiều độ tuổi khác nhau. Trong đó, có anh Vivek Puri, bị chẩn đoán mắc Parkinson khi mới chỉ 38 tuổi. Anh Vivek chia sẻ: "Các kỹ năng vận động tinh của tôi thực sự đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng khi tôi leo núi, tôi cảm thấy ổn hơn. Khi tôi không tập luyện tại đây  trong một thời gian, các triệu chứng nặng hơn. Khi leo núi, tôi được tập luyện ngón tay, giúp các kỹ năng vận động tinh của tôi dù không thể trở lại, nhưng vẫn duy trì được".

Các bài tập leo núi không chỉ tác động tích cực tới thể chất, mà còn đặc biệt có tác dụng về tâm lý và cảm xúc của những người bệnh Parkinson. Việc chinh phục được mỗi bức tường leo núi lại khiến họ có thêm chút động lực và hy vọng, khi chứng minh với chính mình rằng họ có thể làm được. Chị Molly Cupka, đồng sáng lập dự án UpEnding, cho biết, một trong những lợi ích của việc leo núi là việc khuyến khích người bệnh không ngừng nỗ lực. 

"Leo núi đòi hỏi rất nhiều sự cân bằng, liên quan đến khả năng vận động, sức mạnh của cơ, tim mạch, và sau đó là phần nhận thức, khi  bạn phải tìm ra các điểm mấu và cách để di chuyển tới điểm đó. Ngã chắc chắn là một phần của việc leo núi. Nếu bạn ngã khi tập luyện, điều đó có nghĩa là bạn đang rất cố gắng để vượt qua khó khăn do bệnh tật". 

Tham gia UpEnding, nhiều bệnh nhân Parkinson đã trở thành những người bạn. Không những vậy, các thành viên cũng trở thành một nhóm hỗ trợ, và luôn cổ vũ, động viên bản thân mình cùng những người xung quanh không bao giờ bỏ cuộc./.


 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận