Chị Eunice Akinyi hiện đang sinh sống tại khu ổ chuột Kibera ở Kenya. Ở đây, việc tìm được nguồn nước sạch với giá cả phải chăng là điều rất khó khăn. Hàng ngày, chị Akinyi cũng như nhiều người dân khác trong khu vực này phải mua nước từ những xe chở nước tư nhân. Người dân chủ yếu dùng nước này để tắm giặt và nấu ăn. Tuy nhiên, chất lượng nước không đảm bảo. Con trai chị Akinyi thường xuyên phải nhập viện do sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh. Nhưng hiện nay nhờ có một dự án nước sạch mới trong khu vực mà cuộc sống của gia đình chị Akinyi đã thay đổi: “Trước đây, tôi từng dùng nước từ các xe đẩy tư nhân cung cấp. Chính việc sử dụng nguồn nước không đảm bảo đã làm ảnh hưởng tới sức khỏe gia đình tôi. Khi tôi giặt quần áo bằng nguồn nước không đảm bảo, con tôi đã bị phát ban và nổi mụn trên cơ thể. Tôi đã phải vội vã đưa cháu nhập viện để chữa trị và khiến gia đình tôi phải tiêu tốn rất nhiều chi phí. Nhưng kể từ khi gia đình tôi chuyển sang sử dụng nước do Qũy Hy vọng cho cộng đồng triển khai, chúng tôi đã nhận thấy những thay đổi tích cực.”
Nguồn nước mà chị Eunice Akinyi nói tới nằm trong một dự án thuộc tổ chức Shining Hope For Communities (SHOFCO) (tạm dịch là Qũy Hy vọng cho cộng đồng) triển khai tại Kenya. Theo đó, dự án này đã lắp đặt các ki - ốt nước sạch tại khu ổ chuột Kibera, nhằm cung cấp nước sạch cho người dân trong vùng. Hệ thống cung cấp nước của dự án này được thiết kế trên không, giúp giảm thiểu sự tác động của con người tới đường ống và giảm ô nhiễm nước. Ngoài ra, hệ thống này cũng cho phép phát hiện và sửa chữa nhanh chóng khi đường ống bị rò rỉ.

Anh Felix Nyauma, thuộc Quỹ Hy vọng cho cộng đồng cho biết: “Hệ thống cung cấp nước của chúng tôi sử dụng đường ống trên không, đơn giản vì chúng tôi không muốn nước bị ô nhiễm và cũng để dễ dàng sửa chữa khi hệ thống đường ống bị hỏng. Bởi vì khi bạn sử dụng hệ thống đường ống bằng cách đào rãnh hoặc đặt ống thông thường, khi đường ống bị rò rỉ nước dưới lòng đất, bạn rất khó để phát hiện ra. Hệ thống của chúng tôi khác biệt ở chỗ chúng ta có thể phát hiện ra khi đường ống bị hỏng rất dễ dàng.”
Nhờ có những ki - ốt nước sạch này mà chị Akinyi và nhiều người dân khác trong vùng đã không còn phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo an toàn từ những nhà cung cấp nước tư nhân nữa. Giá nước từ “Quỹ Hy vọng cho cộng đồng” cũng rẻ hơn đáng kể so với giá của những nhà cung cấp nước tư nhân. Đặc biệt, không chỉ cung cấp nước sạch, hệ thống này còn góp phần chấm dứt tình trạng ép giá và quấy rối tình dục đổi lấy nguồn nước sạch... mang lại sự an tâm cho những người dân nghèo khó nơi đây.
Cô Ivine Juma, một cư dân Kibera chia sẻ: “Trước đây khi chúng tôi phải mua nước từ những nhà cung cấp nước tư nhân, chúng tôi đã gặp phải một số vấn đề, đặc biệt là khi đó là một người đàn ông bán nước. Một số người trong số họ đã có hành vi bất chính với chúng tôi. Đôi khi, là phụ nữ, chúng tôi buộc phải đi lấy nước vào ban đêm nhưng điều đó rất nguy hiểm.”
Theo điều tra dân số năm 2009, có khoảng 170.000 người sống ở Kibera. Quá trình đô thị hóa và tốc độ tăng trưởng dân số nhanh chóng đã gia tăng thêm sức ép cho người dân, đô thị, đảm bảo vệ sinh và khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Chính nhờ những đường ống dẫn nước trên không từ dự án đã giúp nhiều người dân ở Kibera thay đổi hoàn toàn được cuộc sống, đem đến cho họ sức khỏe, sự an toàn và quyền được tôn trọng.
Từ năm 2016 đến nay, Qũy Hy vọng cho cộng đồng đã triển khai 52 ki-ốt nước sạch với thẻ từ trả trước, phục vụ khoảng 40.000 người dân mỗi ngày. Theo các chuyên gia, đây là một mô hình thích nghi hiệu quả trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và hạ tầng cũ kỹ tại Kenya. Tổ chức này hy vọng rằng trong tương lai, họ sẽ có thể cung cấp và phục vụ nước sạch với giá thành hợp lý cho nhiều người dân ở Châu Phi hơn nữa./.
Bình luận