Trong điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của một nước đang phát triển, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã luôn cho thấy sự chủ động, không ngừng hoàn thiện hệ thống chính trị, pháp luật nhằm đáp ứng các mục tiêu phát triển, trong đó có chống biến đổi khí hậu. Đây là đánh giá của ông Carl Bernadac- Giám đốc Ban dự báo kinh tế và Chính sách công của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam mới đây nhằm đánh giá tiến độ thực hiện Giai đoạn 2 Chương trình nghiên cứu kinh tế về biến đổi khí hậu tại Việt Nam (GEMMES Vietnam).
Chương trình Nghiên cứu Kinh tế về biến đổi khí hậu, viết tắt là GEMMES, được khởi xướng trong chuyến thăm Pháp năm 2018 của cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Được thực hiện với sự phối hợp của Cơ quan Phát triển Pháp và Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam, Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu tăng cường năng lực thích ứng và phục hồi của Việt Nam trước những tác động không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng là quốc gia châu Á đầu tiên được thụ hưởng chương trình này.
Các đánh giá khoa học được thực hiện trong giai đoạn 1 của chương trình đã đưa ra bức tranh toàn cảnh về các kịch bản biến đổi khí hậu, nghiên cứu toàn bộ tác động ở cấp quốc gia nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C, 2 độ C hay thậm chí 3 độ C để từ đó đề xuất các hành động chính sách ứng phó phù hợp. Tiếp nối các nghiên cứu của giai đoạn 1, giai đoạn 2 của GEMMES tập trung vào các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là chuyển đổi năng lượng công bằng nhằm tối ưu hoá quá trình chuyển dịch năng lượng, cũng như giảm thiểu tác động tài chính vĩ mô của biến đổi khí hậu và hướng tới phát triển bền vững. Chia sẻ về giai đoạn 2 của GEMMES, ông Carl Bernadac cho biết:
Đây là một chương trình tham vọng về thu thập và xử lý các dữ liệu khí hậu theo thời gian thực để từ đó chúng ta có thể đánh giá hiệu quả của các chiến lược tài chính khác nhau và tính bền vững của chúng ở cấp độ kinh tế vĩ mô. Điều đáng lưu ý trong phương pháp tiếp cận tài chính vĩ mô này là khi mô hình được phát triển, chúng ta có thể phân tích tác động của cơ chế thuế carbon tại biên giới của một số thị trường nhất định chẳng hạn như thị trường châu Âu, tính bền vững của các chiến lược tài trợ cho các khoản đầu tư bổ sung cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng, tác động hoặc ảnh hưởng đến giá, chi phí năng lượng, thậm chí là việc làm và quá trình chuyển đổi cần thiết của thị trường việc làm và lực lượng lao động. Đây là một dự án không hề đơn giản. Vì vậy những kết quả ban đầu là rất tích cực và sẽ hoàn thiện trong những tuần và tháng tới.”
Với bờ biển dài hơn 3 nghìn ki-lô-mét, Việt Nam nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh vào ngày 25/9/2012 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh vào ngày 20/3/2014. Các văn kiện này xác định các mục tiêu cụ thể để thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam về phát triển, tái cơ cấu kinh tế và chuyển dịch sang nền kinh tế xanh, đảm bảo sự tăng trưởng toàn diện và bền vững. Việt Nam cũng đặt mục tiêu đưa thị trường các-bon vào vận hành thí điểm vào năm 2025 và chính thức vào năm 2028. Ông Carl Bernadac đánh giá cao ý chí và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong lộ trình tham vọng hướng tới net zero vào năm 2050, không ngừng hoàn thiện thể chế chính trị và hệ thống phát luật nhằm dỡ bỏ những rào cản đối với sự phát triển và hội nhập:
“Chúng tôi ấn tượng với những gì đang diễn ra tại Việt Nam nhằm hướng tới tính hợp lý về mặt thể chế, giúp gỡ bỏ những rào cản, những thách thức về mặt thể chế mà chúng tôi đã gặp phải ở nhiều quốc gia. Những cải cách này sẽ thúc đẩy tính liên bộ, liên ngành trong tiếp cận các vấn đề, ví dụ như giữa tài chính và kế hoạch, giữa các lĩnh vực quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, môi trường, khả năng phục hồi, lộ trình phát thải carbon thấp, và nông nghiệp. Bất kỳ điều gì có thể tạo điều kiện cho việc hợp lý hoá theo hướng hiệu quả, đơn giản và mang tính liên ngành dường như rất hứa hẹn về khả năng thực hiện các chính sách phức tạp, cân bằng giữa ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, việc làm và chuyển đổi năng lượng, khả năng phục hồi sau các cú sốc khí hậu.”./.
Thu Hoài
Bình luận