Tôm là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Indonesia mang về hàng trăm triệu đô-la Mỹ mỗi năm. Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá lớn vào một thị trường duy nhất là Mỹ, lại đang khiến lĩnh vực này đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt khi các chính sách về thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump tác động tới kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, nhiều nông dân và doanh nghiệp Indonesia đang tìm cách xoay chuyển tình thế, hướng tới đa dạng hóa thị trường để duy trì sinh kế và sức cạnh tranh.
Tôm Indonesia, đặc biệt là tôm chân trắng, từ lâu đã chiếm thị phần lớn tại thị trường Mỹ. Tính riêng năm 2022, gần 70% tổng lượng tôm xuất khẩu của Indonesia được tiêu thụ tại Mỹ, trong đó nhiều lô hàng đến từ các trại nuôi nhỏ lẻ ở các vùng duyên hải như tỉnh Lampung trên đảo Sumatra. Tuy nhiên, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố mức thuế đối ứng với các mặt hàng xuất khẩu từ Indonesia đang khiến nhiều nông dân nuôi tôm rơi vào tình trạng hoang mang, lo lắng. Ông Frans Antony, chủ sở hữu công ty nuôi tôm PT Maju Tambak Sumur tại tỉnh Lampung cho biết, hơn 90% sản lượng tôm của công ty ông được xuất sang Mỹ. Do đó, mức thuế mới có thể gây thiệt hại không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp.
“Thị trường địa phương khá nhỏ và hạn chế nên chúng tôi phần lớn là phụ thuộc vào xuất khẩu sang các công ty chế biến nước ngoài. Nếu việc đàm phán với Mỹ để tìm cơ chế thích hợp không thành công, chúng tôi sẽ buộc phải bán tôm với giá rất thấp, hoàn toàn không có lãi, và chắc chắn nhiều trại nuôi tôm sẽ phải đóng cửa. Khi đó, ngành nuôi tôm của Indonesia sẽ sụp đổ."
Bên cạnh rào cản thuế quan, áp lực cạnh tranh từ các quốc gia xuất khẩu lớn như Ấn Độ và Ecuador cũng khiến tôm Indonesia khó duy trì vị thế ở thị trường Mỹ.

Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp và hiệp hội trong ngành đã chủ động mở rộng thị trường. Các gian hàng tôm Indonesia đã xuất hiện ở nhiều hội chợ quốc tế như tại Trung Quốc, Dubai, và một số nước Trung Đông. Trong số này, thị trường Nhật Bản được đánh giá là đầy tiềm năng nhờ nhu cầu tiêu thụ lớn và khả năng sẵn sàng chi trả cho sản phẩm chất lượng cao. Ông Budhi Wibowo – Chủ tịch Hiệp hội quảng bá và chế biến sản phẩm thủy hải sản Indonesia cho biết:
“Mức giá xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ thực sự là tốt nhất so với nhiều nơi khác. Vì thế, việc tìm được thị trường thay thế hoặc mở rộng tại quốc gia khác là một thách thức không nhỏ. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn phải đa dạng hóa thị trường, và thực ra nhiều nhà xuất khẩu cũng đã thành công bước đầu trong việc tiếp cận những thị trường mới.”
Các trang trại, doanh nghiệp nuôi tôm tại Indonesia cũng đang tích cực đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kho lạnh, hợp lý hóa hậu cần, qua đó cải thiện chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn vệ sinh và chuỗi cung ứng. Cùng với đó, Chính phủ Indonesia cũng nhanh chóng tìm cách đàm phán với Mỹ để đưa ra các biện pháp thương mại có lợi cho cả hai bên, từ đó giảm bớt một số áp lực đối với ngành thủy sản Indonesia.
Trong khi đó, một số chuyên gia cũng nhận định, cuộc khủng hoảng lần này có thể là cơ hội để ngành tôm Indonesia tái cơ cấu theo hướng bền vững hơn: từ công nghệ nuôi trồng đến cơ chế thương mại. Đây cũng là thời điểm thích hợp để chính phủ vào cuộc hỗ trợ các cơ sở sản xuất nhỏ, giúp họ tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế./.
Khánh Linh
Bình luận