
- Tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ viếng Đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam theo nghi thức Quốc tang.- Gần 660 đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.- Lễ viếng Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tiếp tục đến 12 giờ trưa 15/8 tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và Hội trường 25B (thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Đại sứ quán nước ta tại nhiều nước trên thế giới tiếp tục lễ viếng và mở sổ tang để nhân dân và bà con kiều bào đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước sở tại đến viếng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.- Lễ truy điệu đồng chí Lê Khả Phiêu được tổ chức vào 12h30 trưa 15/8 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội và Lễ an táng diễn ra lúc 14 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp lễ truy điệu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từ 12h30 trưa 15/8 và lễ an táng từ lúc 13h55 chiều nay. Mời quý vị và các bạn chú ý theo dõi.
Hai ngày quốc tang, tưởng nhớ và tiễn biệt nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Lễ viếng chính thức bắt đầu lúc 8h sáng 14/8, đồng thời tổ chức tại 3 nơi: Hà Nội, TP.HCM và tỉnh Thanh Hóa.
Lễ Quốc tang đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trong hai ngày và lễ viếng bắt đầu từ 8h ngày 14/8.
Trong những ngày qua, sự ra đi của Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với bạn bè quốc tế. Trong các bức điện và thư chia buồn gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta và gia quyến Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhiều quốc gia đều bày tỏ sự ngưỡng mộ và đánh giá cao những đóng góp của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cho sự phát triển của Việt Nam và sự phát triển của quan hệ giữa Việt Nam với các nước.
Cuối năm 1997, tại Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa 8), Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Bộ Chính trị (nay là Thường trực Ban Bí thư) đồng chí Lê Khả Phiêu được bầu giữ chức Tổng Bí thư. Từng là chiến sĩ dày dạn qua nhiều trận mạc, gắn bó nhiều năm với binh nghiệp, chất “thép” ở nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tiếp tục được thể hiện trong cương vị người đứng đầu Đảng, mà cụ thể là về công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng; phòng chống tham nhũng. Với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (Khóa 8), ra đời năm 1999 về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng đảng hiện nay”, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương mà đứng đầu là Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi đó đã “xới lại, củng cố lại” nền móng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bài viết của phóng viên Minh Châu và Lại Hoa đề cập nội dung này. Mời quý vị và các bạn cùng nghe!