Ở góc độ khác, cùng với diện tích đất đỏ bazan màu mỡ, mùa khô Tây Nguyên là lợi thế riêng cho ngành nông nghiệp. Hầu hết các loại cây trồng chủ lực như cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, hạt điều, mắc ca… đều ra hoa, đậu quả vào mùa khô. Nếu có đủ nước tưới, mùa khô sẽ tạo “mùa vàng”cho Tây Nguyên.
Trong chương trình trước, chúng tôi phản ánh tình trạng hạn hán đang diễn ra nghiêm trọng tại Tây Nguyên, hàng loạt diện tích cà phê khô cháy, nông dân xót xa vì mất mùa trong khi giá cà phê đang ở đỉnh cao. Nghịch lý là Tây Nguyên khô hạn dù ở nơi đầu nguồn của 4 hệ thống sông lớn, gồm: Sêrêpốk, Sê San, Đồng Nai và sông Ba, với lượng nước trên 50 tỷ m3/năm. Khu vực Tây Nguyên cũng có tổng lượng mưa hàng năm lên đến 100 tỷ m3. Nguồn nước dồi dào nhưng vì sao năm nào Tây Nguyên cũng hạn? Tiếp tục loạt bài “Tây Nguyên khô khát: Làm gì để mùa khô thành mùa vàng”, trong chương trình hôm nay chúng tôi nêu rõ những nguyên nhân “quy hoạch yếu, đầu tư thiếu, tư duy lỗi thời, khiến khô hạn không hồi kết” ở Tây Nguyên.
Tây Nguyên đang phải trải qua một mùa khô hạn khốc liệt nhất từ trước đến nay. Hàng loạt diện tích cây trồng héo rũ, chết khô, thiệt hại kinh tế chưa thể tính hết. Điều đáng nói Tây Nguyên là nơi có nhiều sông suối, tổng lượng mưa lên đến 100 tỷ mét khối mỗi năm, vượt xa nhu cầu tưới của 2 triệu héc ta cây trồng. Trong khi đó, mùa khô là mùa lợi thế cho các loại cây chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng... đơm hoa kết trái; nếu có nguồn nước chủ động, mùa khô sẽ thành “mùa vàng”.
Đang phát
Live