Thứ hai, 11:49, 03/02/2025
Ngành Tư pháp đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, thi hành pháp luật.
Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất.

 

Ngành Tư pháp đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, thi hành pháp luật

Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế nói chung, pháp luật nói riêng là một trong ba đột phá chiến lược tiếp tục được xác định tại Đại hội XIII của Đảng. Đây cũng là lĩnh vực được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và dành nhiều thời gian, nguồn lực để tham mưu, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tham gia có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp phát sinh, góp phần tháo gỡ vướng mắc kìm hãm sự phát triển, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Bộ, ngành Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội đề xuất các giải pháp đổi mới công tác xây dựng pháp luật, nhất là tập trung triển khai chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về “đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”. Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự và Kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ động, khẩn trương rà soát pháp luật về thúc đẩy tăng trưởng, từ đó đề xuất xây dựng 3 Luật, gồm; Luật Đầu tư công, Luật sửa 4 Luật do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật sửa đổi một số Luật do Bộ Tài chính và đã được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 11. Trong đó, phải kể đến tại quy định tại Điều 36a được bổ sung vào Luật Đầu tư về thủ tục đầu tư đặc biệt để rút ngắn tối đa thời gian, thủ tục và chi phí nhằm thu hút “đại bàng”. Đây thực sự là đột phá, quyết tâm của Chính phủ, xuất phát từ đề xuất ban đầu của Bộ Tư pháp và sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương.

Năm 2024 Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 28 luật, 05 nghị quyết quy phạm. Riêng tại Bộ Tư pháp đã chủ trì, xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 03 luật, 01 nghị quyết. Bên cạnh đó, toàn ngành đã tham mưu xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 832 văn bản quy phạm pháp luật; cơ quan tư pháp tại địa phương đã phối hợp tham mưu ban hành hơn 4.800 văn bản quy phạm pháp luật.

Năm qua, công tác thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp được đánh giá cao, là cơ sở quan trọng để quyết định ban hành văn bản. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn và gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong năm tiếp tục được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đạt được nhiều kết quả, như: Tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2024-2030”; Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030”; các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật triển khai với nhiều mô hình mới.

Năm 2024 công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, với hơn 621 nghìn việc được thi hành xong, thu được hơn 117 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 45 nghìn việc và tăng hơn 27 nghìn tỷ đồng so với năm 2023). Thực tiễn quá trình thực hiện công tác thi án dân sự tại địa phương, ông Lê Hồng Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2024 Nghệ An đã đạt và vượt 5/5 nhóm chỉ tiêu về thi hành án dân sự trong đó: Giải quyết xong gần 17.900 việc và hơn 956 tỷ đồng (vượt 2,48% về việc và 2,49% về tiền). UBND tỉnh đã chỉ đạo công tác thi hành án dân sự với nhiều cách làm mới. Thứ nhất, đó là nghe và cho ý kiến chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các vụ việc lớn, phức tạp. Trong thi hành án tại các hội nghị giao ban nội chính do Thường trực Tỉnh ủy hoặc Thường trực UBND tỉnh chủ trì. Thứ hai là huy động vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện nhiệm vụ thi hành án dân sự. Ban hành Kế hoạch phát động thi đua về thi hành án dân sự, tổ chức tiếp công dân, giải quyết các khiếu nại, tố cáo và kiến nghị về thi hành án, không để xảy ra các điểm nóng. Ban hành kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo thi hành án hai cấp và duy trì hoạt động nề nếp, trong đó chú trọng tăng cường công tác phối hợp chỉ đạo cưỡng chế các vụ phức tạp theo quy định.

Năm 2025 Bộ Tư pháp cùng các cả hệ thống chính trị tham gia vào cuộc “cách mạng” tinh gọn bộ máy, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ, kịp thời để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phục vụ sắp xếp tổ chức, bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo hành lang pháp lý để hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần “tinh, gọn, mạnh”. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh; năm 2025 các đồng chí sẽ trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, cố gắng xây dựng một quy trình dân chủ có sự đóng góp của các thế hệ của các tầng lớp và của các cơ quan các bộ, ngành. Điểm thứ hai, đấy là phải sửa đổi, bổ sung pháp luật mà nó gắn với câu chuyện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Chúng ta phải tổ chức thi hành thế nào cho nghiêm túc kịp thời, nhưng mà không được sai. Sau khi chúng ta sắp xếp tổ chức bộ máy như vậy thì có bao nhiêu văn bản quy phạm pháp luật. Câu chuyện ở chỗ cái tên nó là một việc nhưng mà ghép lại rồi, các công việc xưa nay vẫn làm tiếp cận được đến đâu và đặc biệt trong giai đoạn giao thời chuyển đổi thì tổ chức thực hiện làm sao đối với người dân đối với tổ chức để cho nền hành chính không bị gián đoạn.

Kế thừa những kết đạt được, năm 2025 Bộ, ngành Tư pháp sẽ xây dựng trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Thực hiện tốt chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, ưu tiên cao nhất cho việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật phục vụ cuộc “cách mạng” về tinh gọn bộ máy về phân cấp, phân quyền để phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế. Khẩn trương tham mưu với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa tư duy quan điểm mới trong xây dựng pháp luật.

Quyết liệt sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân lực của Bộ, ngành Tư pháp, theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh chuyển đổi số xây dựng kết nối các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác của Bộ, ngành. Phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự.

 Triển khai công tác tư pháp trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về mặt thể chế, khơi thông mọi nguồn lực phát triển, toàn ngành Tư pháp nỗ lực đoàn kết quyết tâm đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, thi hành pháp luật trên các lĩnh vực cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận