Việt Nam xác lập quyền và lợi ích hợp pháp với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên biển
Việt Nam đã tuân thủ các quy định của Luật pháp quốc tế, xác lập quyền và lợi ích của vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa diễn ra như thế nào. Ý nghĩa và tầm quan trọng của hệ thống cụm dịch vụ kinh tế, khoa học kỹ thuật (nhà giàn DK1) trong bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam tại Biển Đông.

Như phần 1 của cuộc trao đổi với Tiến sỹ Trần Công Trục, các khái niệm về vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa đã được chỉ rõ trong Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS 1982). Vậy việc tuân thủ các quy định của Luật pháp quốc tế, xác lập quyền và lợi ích của vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa trên biển của Việt Nam đã diễn ra như thế nào? Về nội dung này phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam trao đổi với Tiến sỹ Trần Công Trục, Nguyên Trưởng ban Ban biên giới Chính phủ ngay sau đây.

Phóng viên: Thưa ông, tại sao nói vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là không gian sinh tồn và phát triển của đất nước? Những lợi ích về tài nguyên, chiến lược quốc phòng – an ninh nào gắn liền với hai khu vực này là gì, thưa ông?

          Tiến sỹ Trần Công Trục: Nói vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là không gian sinh tồn và phát triển của đất nước là hoàn toàn có căn cứ. Bởi vì, trong vùng đặc quyền kinh tế (ĐQKT) và thềm lục địa (TLĐ) có đặc quyền về mặt kinh tế; nghĩa là có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với việc bảo vệ, quản lý, thăm dò nghiên cứu, khai thác các nguồn tài nguyên sinh vật va không sinh vật, bảo vệ môi trường biển… ở trong vùng ĐQKT và TLĐ của mình. Và, như các bạn đã biết, thế kỷ XXI là thế kỷ loài người vươn ra biển làm giàu từ biển, bởi vì biển  và dai dương đang chưa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú và quý hiếm, là niềm hy vọng cứu sống nhân loại khi nguồn tài nguyên trên đất liền bị khai thác cạn kiệt, khi môi trường sống trên đất liền cũng đang bị hủy hoại nghiêm trọng. Tất nhiên khi đất nước giàu mạnh, kinh tế phát triển thì an ninh quốc phòng cũng sẽ được tăng cường và sẽ đủ sức để chống lại mọi âm mưu và hành động gây chiến tranh xâm lược từ hướng biển.

Phóng viên: Thưa ông, việc xây dựng cụm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật (còn gọi là hệ thống nhà giàn DK1), được xây dựng dưới dạng các nhà giàn trên thềm lục địa phía nam của Việt Nam có liên quan gì đến việc thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán trên thềm lục địa? Theo ông, đây có phải là minh chứng rõ ràng cho việc xác lập quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên khu vực thềm lục địa?

          Tiến sỹ Trần Công Trục: Vùng ĐQKT 200 hải lý và TLĐ của Việt Nam có một diện tích khá rộng, trong đó có nhiều bãi ngầm, hoặc chìm, hoặc nửa chìm nửa nổi. Bãi cạn Tư chính, Quế Dường, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân....là những bãi ngầm điển hình, nằm trong vùng thềm lục địa phía Tây Nam Biển Đông mà hiện nay Việt Nam đang thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình bằng việc triển khai một cách đồng bộ công cuộc thăm dò, khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên sinh vật và không sinh vật, với  sự tham gia của nhiều lực lượng chuyên trách,  nhiều tổ chức kinh tế trong nước và quốc tế...Đặc biệt, tại khu vực  vùng ĐQKT và thềm lục địa phía Tây- Nam Biển Đông , trong đó có các bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân,… Việt Nam đã và đang thăm dò, khai thác dầu khí và đã xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK1; cụ thể là ngày 05/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ra Chỉ thị số 180/CT chính thức công bố việc xây dựng cụm Dịch vụ - Kinh tế -  khoa học - kỹ thuật tại khu vực bãi ngầm trên thềm lục địa phía Nam (gọi tắt là DK1).

          Việc này phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển, theo Điều 60 và Điều 80 của UNCLOS. Việt Nam cũng có đặc quyền xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình có mục đích được trù định ở Điều 56 của UNCLOS1982 hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Bởi vì, theo thông lệ quốc tế, quốc gia ven biển có đặc quyền trong việc lắp đặt, sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Tuy nhiên, việc vận dụng và thực thi nội dung này ở mỗi nước có những đặc thù riêng.

         Với Việt nam, Luật Biển Việt Nam, Điều 34 quy định:

    “1. Đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển bao gồm: a) Các giàn khoan trên biển cùng toàn bộ các bộ phận phụ thuộc khác đảm bảo hoạt động bình thường và liên tục của các giàn khoan hoặc các thiết bị chuyên dùng để thăm dò, khai thác và sử dụng biển; b) Các loại báo hiệu hàng hải; c) Các thiết bị, công trình khác được lắp đặt và sử dụng ở biển.

     “2. Nhà nước có quyền tài phán đối với các đảo nhân tạo và thiết bị, công trình trên biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, bao gồm cả quyền tài phán theo các quy định của pháp luật về hải quan, thuế, y tế, an ninh và xuất nhập cảnh”. Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước về Luật Biển năm 1982), Điều 60 (Khoản 1 và 2) nêu rõ: “Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng: (a) Các đảo nhân tạo; (b) Các thiết bị và công trình dùng vào các mục đích được trù định ở Điều 56…”; đồng thời, có quyền tài phán đặc biệt đối với các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình đó kể cả quyền tài phán về mặt các luật và quy định hải quan, thuế khóa, y tế, an ninh và nhập cư.

     Đối với việc thiết kế, xây dựng, tháo dỡ và thông tin về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình đó, Luật Biển Việt Nam, Điều 34 còn quy định:

     “3. Các đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển và các bộ phận kèm theo hoặc phụ thuộc có vành đai an toàn 500 mét (m) tính từ điểm nhô ra xa nhất của đảo, thiết bị, công trình hoặc các bộ phận đó, nhưng không có lãnh hải và các vùng biển riêng.”

    “4. Không xây dựng đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển cũng như không thiết lập vành đai an toàn xung quanh đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển ở nơi có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế.”

    “ 5. Khi hết hạn sử dụng, thiết bị, công trình trên biển phải được tháo dỡ khỏi vùng biển Việt Nam, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép. Đối với phần còn lại của thiết bị, công trình trên biển chưa kịp tháo dỡ hoàn toàn vì lý do kỹ thuật hoặc được phép gia hạn thì phải thông báo rõ vị trí, kích thước, hình dạng, độ sâu và phải đặt các tín hiệu, báo hiệu hàng hải và nguy hiểm thích hợp.”

  “ 6. Thông tin liên quan tới việc thiết lập đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển, việc thiết lập vành đai an toàn xung quanh và việc tháo dỡ một phần hay toàn bộ thiết bị, công trình trên biển phải được cung cấp chậm nhất là 15 ngày trước ngày bắt đầu thiết lập hoặc tháo dỡ đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam và được thông báo rộng rãi trong nước và quốc tế”.

          Về vấn đề này, Công ước về Luật Biển năm 1982, tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7 và 8 (Điều 60) đã quy định chi tiết về quy chế được hưởng, vị trí xây dựng và chiều rộng của khu vực an toàn (xung quanh các đảo, thiết bị và công trình trên biển); việc tháo dỡ các thiết bị, công trình đó theo quy phạm do tổ chức quốc tế có thẩm quyền đặt ra; duy trì các phương tiện thường trực để báo hiệu hàng hải và về thông báo việc thiết lập, tháo dỡ các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình đó theo quy chuẩn quốc tế, v.v.

        Như vậy, quy định về Đảo nhân tạo, thiết bị, công trình trên biển của Luật Biển Việt Nam là thống nhất với Công ước về Luật Biển năm 1982.Điều đặc biệt cần nhấn mạnh là Việt Nam không hề có ý định sử dụng các công trình thiết bị nhân tạo này để khẳng định các bãi ngầm nằm trong thềm lục địa là lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình.  Việt Nam tuân thủ tuyệt đối quy định của UNCLOS1982, tai các Điều 77,78,79...và, vì vậy, có thể khẳng định rằng sự tồn tại của các nhà giàn này không phải nhằm mục đích khẳng định quyền thụ đắc lãnh thổ, không phải là những cột mốc chủ quyền, như suy diễn của nhiều người, đặc biệt là các thế lực đối nghịch đang tìm cách giăng bẫy pháp lý và áp đặt những quan điểm phản khoa học  có liên quan đến việc xác định phạm vi giữa quần đảo có tranh chấp chủ quyền với  phạm vi vùng ĐQKT, TLĐ của quốc gia ven biển.

          Cần một lần nữa khẳng định các nhà giàn DK1 là những cụm dịch vụ khoa học, kỹ thuật, kinh tế, phục vụ chủ yếu phục vụ cho việc thăm dò và khai thác dầu khí trong khu vực ĐQKT và TLĐ của Việt Nam ở phía Tây Nam Biển Đông. Chúng là những cơ sở mang tính chất dân sự; dưới ánh sáng của Luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển 1982, chúng không phải là những căn cứ quân sự. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình các trạm dịch vụ này có quyền phát hiện, theo dõi , xua đuổi các hoạt động vi phạm vùng ĐQKT và TLĐ ở khu vực này, thậm chí có quyền vây bắt, ngăn chăn, lâp biên vi phạm để dẫn độ về môt  cảng nhất định để đưa ra xét xử tại các cơ quan tài phán có thẩm quyền theo đúng thủ tục pháo lý hiện hành... Trong quá trình thực thi nhiêm vụ đó, lực lượng chức năng có quyền tự vệ băng mọi cách tương ứng, nếu nghi phạm sư dụng vũ lực để phản kháng và đào thoát....

Phóng viên:  Thưa ông, Việt Nam có thềm lục địa rộng đến đâu? Việc xác định ranh giới thềm lục địa có ý nghĩa như thế nào về mặt pháp lý quốc tế?

          Tiến sỹ Trần Công Trục: Vâng, như đã trình bày ở trên, thềm lục địa của Việt Nam đã và sẽ được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS1982. Theo đó, Việt Nam có Thềm lục địa khá rộng. Tuy nhiên, rộng bao nhiêu và ranh giới thềm lục địa kết thúc đến đâu thì chưa ai có thể trả lời một cách chính xác và toàn diện được.  Tại sao? Bởi vì, như các bạn biết, phạm vi thềm lục địa về cơ bản phụ thuộc vào hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải mà cho đến nay VN mới công bố xác lập năm 1982, với 11 điểm cơ sở , từ đảo Cồn Cỏ đến Hòn Nhạn thuộc quần đảo Thổ chu, và ngảy 21/2/2025 công bố xác lập đường cơ sở trong Vịnh Bắc Bộ. Như vậy, Việt Nam còn phải công bố bổ sung đường cơ sở ở ranh giới phía ngoài vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia và hệ thống đường có sở ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đông thời, VN cũng đang nộp hồ sơ và chờ quyết định của Tiểu ban ranh giới TLĐ của LHQ về việc  xác định bờ ngoài của thềm lục địa kéo dài ra ngoài 200 hải lý. Hơn nữa, phạm vi thềm lục địa ở một số khu vực còn có sự chồng lấn với thềm lục địa của một số quốc gia ở liền kề hay đối diện cần phải được đàm phán hoách định ranh giới tại các vùng chồng lân đó mà cho đên nay Việt Nam mới đàm phán hoạch định ranh giới vùng TLĐ chồng lấn với Trung Quốc năm 2000; với Indonexia năm 2003; với Thái Lan năm 1997; Điều đó có nghĩa là chúng ta chưa thể tính được diện tích đầy đủ của Thềm lục địa Việt Nam, chỉ trừ một số khu vực như khu vực thềm lục dịa  năm trong giới hạn 200 hải lý  của Việt Nam ở phỉa Tây Nam Biển Đông , ở trong vịnh Bác Bộ; ở vịnh Thái lan có liên quan đến Thailand.

          Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm có liên quan đến việc xác định phạm vi và ranh giới thềm lục địa của Việt Nam trong Biển Đông, nhưng với những thành quả mà VN đã đạt được trong thời gian qua đã chứng minh rằng Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của UNCLOS 1982. Đặc biệt là luôn luôn trung thành với nguyện tắc giải quyết mọi bất đồng tranh chấp bằng biện pháp hòa bình để xúc tiến một cách thành công các cuộc đàm phán hoạch định ranh giới các vùng chồng lấn  với các nước lánh giềng.  Kết quả của các cuộc đàm phán đó đã góp phần làm phong phú cho kho tang về  tiền lệ pháp trong Công pháp quốc tế. Chúng cũng chính là những đóng góp thiết thực cho việc bảo vệ hòa bình, bảo đảm an ninh và hợp tác phát triển trong khu vực và quốc tế trong bối cảnh phức tạp hiện nay.

          Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận