Anh Nguyễn Văn Hòa (Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Hạ Vàng) chia sẻ: Năm 2021, lãnh đạo địa phương cùng người dân đã có chuyến đi thực tế tới vùng nuôi trồng thủy sản tại Hải Phòng để tìm hiểu mô hình nuôi cua trong hộp nhựa. Nhận thấy tiềm năng và hiệu quả kinh tế từ mô hình này, anh Hòa cùng 6 người dân khác đã quyết định đầu tư vốn, triển khai lắp đặt 1.000 hộp nuôi cua bằng nhựa chuyên dụng, trở thành một trong những đơn vị đầu tiên ở Hà Tĩnh áp dụng mô hình nuôi cua hiện đại này.
Mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của HTX Nuôi trồng thủy sản Hạ Vàng (Ảnh: Cẩm Tú)
Mô hình nuôi cua trong hộp mang lại nhiều lợi thế vượt trội so với phương pháp truyền thống. Đặc biệt, phù hợp trong điều kiện diện tích nuôi trồng bị thu hẹp hoặc môi trường tự nhiên dễ biến động. Mỗi con cua được nuôi riêng biệt trong từng hộp nhựa chuyên dụng, có nắp đậy và hệ thống cấp – thoát nước riêng, giúp hạn chế tối đa tình trạng cua đánh nhau, ăn thịt lẫn nhau. Từ đó nâng cao tỷ lệ sống lên tới 90–95%.
Mỗi hộp là một “chuồng cua” riêng biệt (Ảnh: Cẩm Tú)
Một trong những điểm mới của mô hình này chính là việc không cần thay nước thường xuyên, nhờ vào hệ thống lọc tuần hoàn khép kín. Nước trong hệ thống được bơm tuần hoàn qua các bể lọc sinh học, lọc cơ học và khử khuẩn, giúp duy trì chất lượng nước ổn định và sạch sẽ. Việc áp dụng công nghệ này không chỉ tiết kiệm đáng kể chi phí và công sức, mà còn bảo vệ môi trường, hạn chế việc xả thải ra bên ngoài – một bước tiến quan trọng trong hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn và thân thiện sinh thái.
Hệ thống tuần hoàn trang bị các tấm lọc để loại bỏ chất thải, hệ thống lọc sinh học sử dụng vi sinh vật, cùng với thiết bị cung cấp oxy và đèn UV để khử trùng. (Ảnh: Cẩm Tú)
Hiện nay, Hợp tác xã Hạ Vàng đang triển khai nuôi hai dòng cua thương phẩm chính là cua thịt và cua lột. Trong đó, cua lột mang lại giá trị kinh tế cao nhờ vào độ hiếm và sự tiện lợi khi chế biến. Mô hình nuôi trong hộp đặc biệt thuận lợi cho việc nuôi cua lột vì dễ dàng theo dõi chu kỳ sinh trưởng của từng con cua, phát hiện đúng thời điểm lột vỏ để thu hoạch kịp thời. Đây là điều rất khó kiểm soát trong mô hình nuôi truyền thống. Anh Nguyễn Văn Hưng (Nhân viên chăm sóc cua tại HTX Hạ Vàng) cho biết: “Đối với cua lột thì phải theo dõi kiểm tra hàng ngày, khi con cua đang khỏe mạnh mà không ăn 2-3 ngày là mình phải đặc biệt theo dõi, để khi nó lột xong thì mình phải bắt ra ngay để hút chân không và cấp đông”
Anh Nguyễn Văn Hưng hào hứng chia sẻ về quá trình “canh” thu hoạch cua lột (Ảnh: Cẩm Tú)
Mặc dù mô hình mang lại nhiều lợi ích rõ rệt song, HTX Nuôi trồng thủy sản Hạ Vàng cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn, đặc biệt là nguồn giống cua đầu vào còn hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, HTX đang tích cực thiết lập mối liên kết chặt chẽ với các hộ nuôi trồng xung quanh, tạo thành một chuỗi cung ứng con giống ổn định và bền vững, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho toàn bộ hệ thống nuôi.
Mô hình nuôi cua trong hộp của Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Hạ Vàng không chỉ mở ra hướng đi mới cho ngành thủy sản Hà Tĩnh mà còn khẳng định vai trò tiên phong của người nông dân trong việc ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất. Với sự đầu tư bài bản, cách làm sáng tạo và tư duy kinh tế linh hoạt, HTX Hạ Vàng đang dần khẳng định thương hiệu cua sạch, cua lột chất lượng cao trên thị trường. Đây không chỉ là mô hình sản xuất hiệu quả mà còn là minh chứng rõ nét cho tinh thần dám nghĩ, dám làm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững và hiện đại.
CTV Cẩm Tú
Bình luận