Hội thảo do Học Viện nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, Tập đoàn PAN tổ chức.
Với mục tiêu nâng cao năng lực cho các nhà nghiên cứu trong công tác quản lý và khai thác nguồn gen, áp dụng công nghệ chọn tạo giống mới; tăng cường hợp tác và trao đổi nguồn gen, công nghệ mới giữa các tổ chức trong và ngoài nước, các tham luận tại hội thảo cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, tư vấn khoa học và hợp tác chuyển giao giống cây trồng mới giữa các bên, từ Viện nghiên cứu, trường Đại học đến các doanh nghiệp đang trực tiếp triển khai sản xuất giống, phát triển thị trường giống. Bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN cho biết:

" Nếu chỉ có khát vọng mà không có những công nghệ, không có nguồn gen, nghiên cứu cơ bản, thiếu sự liên kết giữa việc nghiên cứu và ứng dụng thì mọi nỗ lực đều không thể thực hiện. Chúng tôi rất quan tâm đến các hướng tiếp cận mới như chọn giống nhanh, chỉnh sửa gen, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ sinh học không chỉ ở mức độ chiến lược mà bằng đầu tư cụ thể bằng hành động thực tế".
Theo Phó Giám đốc Học nông nghiệp Việt Nam Phạm Văn Cường, hội thảo là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa ngành giống cây trồng Việt Nam, khẳng định vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp và cơ sở nghiên cứu trong thời kỳ chuyển đổi công nghệ và hội nhập quốc tế ngày một sâu, rộng. Chọn tạo giống cây trồng là nền tảng của nông nghiệp, trong bối cảnh khí hậu biến đổi nhanh, thị trường đòi hỏi cao hơn, người tiêu dùng ngày càng khắt khe, thì giống, công nghệ giống chính là điểm khởi đầu của các chuỗi giá trị trong nông nghiệp:
"Học viên có đầy đủ trang thiết bị phòng thí nghiệm về sinh học phân tử di truyền, ứng dụng công nghệ, chỉnh sửa gen cũng như khu thực nghiệm trên đồng ruộng trong chọn tạo giống. Chúng tôi mong muốn hợp tác cùng với các doanh nghiệp cũng như các tổ chức nghiên cứu quốc tế để đáp ứng nhu cầu về chọn tạo giống cây trồng của Việt Nam cũng như thế giới. Trong bối cảnh cách mạng 4.0, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong ngành Nông nghiệp và Môi trường, thì việc ứng dụng công nghệ để chọn tạo giống cây trồng mới, đưa các giống cây trồng đưa vào thực tiễn vừa có khả năng mang lại năng suất cao vừa có khả năng chống chịu sâu bệnh vừa có chất lượng tốt và phát triển bền vững Việt Nam là rất cần thiết".
Cũng tại hội thảo, Học viện nông nghiệp Việt Nam và Tập đoàn Pan đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về đổi mới công nghệ chọn tạo giống cây trồng để triển khai trong thời gian tới./.
Minh Long
Bình luận