Dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng: làm rõ quyền lợi chủ rừng và cơ chế thị trường các-bon
VOV1 - "Làm rõ quyền lợi chủ rừng và cơ chế thị trường tín chỉ các-bon" là chia sẻ của các đại biểu tại Tọa đàm trực tuyến góp ý “Dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng” do Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm phối hợp với Hội chủ rừng Việt Nam tổ chức hôm nay (15/7)

"Làm rõ quyền lợi chủ rừng và cơ chế thị trường tín chỉ các-bon" là chia sẻ của các đại biểu tại Tọa đàm trực tuyến góp ý “Dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng” do Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hội chủ rừng Việt Nam và Tổ chức Pho-rét Chen ( Forest Trends) tổ chức sáng nay (15/7) tại Hà Nội. 

# Thống nhất cao tại Tọa đàm về Dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng có tác động sâu rộng đến ngành lâm nghiệp, môi trường và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, việc xây dựng khung pháp lý để phát triển thị trường các-bon rừng là việc làm cần thiết.

Theo đó, Dự thảo Nghị định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng là bước đi quan trọng để Việt Nam thực hiện các cam kết về khí hậu, đồng thời mở ra cơ hội phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, để Nghị định đi vào cuộc sống, cần hoàn thiện các quy định liên quan đến quyền lợi chủ rừng, cơ chế đo đạc, xác nhận các-bon, quyền sở hữu và phân chia lợi ích gắn với thị trường các-bon trong nước và quốc tế. Ông Hứa Đức Nhị, Chủ tịch Hội Chủ Rừng Việt Nam cho rằng: “Nghị định là chế định rất cần thiết đối với các chủ rừng trong việc tiếp cận thị trường các-bon hiện nay. Hấp thụ các-bon được thể hiện chủ yếu bởi lượng tăng trưởng sinh khối của các thành phần sinh vật tạo nên rừng (hệ sinh thái). Các chủ rừng luôn mong muốn biết về khả năng hấp thụ các-bon khu rừng do mình được giao quản lý để làm sao khu rừng đó hấp thụ các-bon và đem lại lợi ích cao nhất cho người làm nghề rừng”

Về cơ chế phân chia lợi ích và quyền sở hữu các-bon rừng, các đại biểu cho rằng, quyền sở hữu các-bon rừng chưa được quy định rõ trong dự thảo Nghị định, vì vậy, cần làm rõ quan hệ giữa quyền sở hữu đất rừng, quyền sử dụng rừng và quyền khai thác dịch vụ các-bon cũng như quy định cơ chế phân chia lợi ích minh bạch, công bằng giữa chủ rừng, cộng đồng, doanh nghiệp và Nhà nước. Làm rõ về việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm cho biết: “Quyền sở hữu các-bon rừng thuộc về ai? ở đây là đối với rừng tự nhiên và rừng trồng, khi xây dựng dự thảo Nghị định là hướng tới là nguồn lợi của các chủ rừng được giao rừng, quản lý rừng có nguồn thu từ các-bon rừng cơ bản sẽ trả về cho chủ rừng Việt Nam. Việt Nam đang phát triển thị trường các-bon; Đề án và sàn giao dịch các-bon đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để ban hành để quy định vận hành thí điểm thị trường các-bon rừng về quy định về “hạn ngạch các-bon” và thực hiện cam kết giảm phát thải của Chính phủ tại hội nghị COP 26, Nghị định này cũng hướng đến thực thi các cam kết của Việt Nam”

Tại Tọa đàm, các đại biểu cùng nhau làm rõ hơn về xác định lượng kết quả giảm phát thải, tín chỉ các-bon rừng được cung ứng; quản lý, sử dụng nguồn thu ủy thác qua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng./.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận