Với chủ đề "Đoàn kết, đổi mới, đột phá, trách nhiệm, kỷ cương", Đại hội đại biểu lần thứ I Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã khai mạc ngày 15/07, tại Hà Nội với sự tham dự của 300 đảng viên tiêu biểu, đại diện cho trí tuệ, phẩm chất và ý chí của gần 12.000 đảng viên trong Đảng bộ Bộ Ngoại giao.
Khai mạc Đại hội, Phó Thủ tướng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ: kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ 2020-2025 là Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã cụ thể hóa đường lối đối ngoại Đại hội 13 của Đảng thành các chủ trương, chiến lược, định hướng, chính sách quan trọng về đối ngoại. Triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các hoạt động đối ngoại trên tất cả các kênh: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân. Mở rộng, nâng tầm, nâng cấp và làm sâu sắc quan hệ của ta với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống. Nâng tầm đối ngoại đa phương, nâng cao vị thế uy tín quốc tế của đất nước, trên cơ sở đó đã kiến tạo và củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc quốc XHCN. Đặc biệt, Đảng bộ Bộ Ngoại giao đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc hợp nhất với Đảng ủy ngoài nước, Ban đối ngoại Trung ương, tiếp nhận một phần, chức năng, nhiệm vụ Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, thực hiện quyết liệt hiệu quả chủ trương, tinh gọn bộ máy, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và thông suốt.

Tại Đại hội, các đại biểu đã thảo luận, xác định phương hướng, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, đó là: triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại; thúc đẩy quan hệ song phương với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất, bền vững lâu dài. Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, ngoại giao khoa học công nghệ, phục vụ phát triển với phương châm "bài bản, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, thực chất" trên cơ sở bám sát các mục tiêu phát triển của đất nước. Tiếp tục đẩy mạnh nâng tầm đối ngoại đa phương, triển khai tốt các trọng trách lớn về đa phương, nhất là APEC năm 2027 và ASEAN năm 2029. Kiên quyết kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng trên cơ sở luật pháp quốc tế, các thỏa thuận văn kiện đã ký kết, duy trì và phát triển đường biên giới hòa bình hữu nghị hợp tác và phát triển và Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ.
Phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Bộ Ngoại giao đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo, lãnh đạo, sự quản lý của Nhà nước, nhất là đường lối đối ngoại của Đảng ta; chủ động, tích cực triển khai công tác đối ngoại, góp phần tạo môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh kết quả quan trọng trong nhiệm kỳ của Bộ Ngoại giao, cùng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng vào cuộc với sứ mệnh đem nguồn vaccine quý giá về cho nhân dân để kiểm soát dịch Covid-19. Bên cạnh đó ngoại giao kinh tế được đẩy mạnh, trở thành nội dung quan trọng trong các hoạt động đối ngoại cấp cao. Công tác ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân được triển khai tích cực, hiệu quả, kịp thời.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ Bộ Ngoại giao phải tiên phong, nòng cốt, chủ động, tích cực, hiệu quả, trong triển khai đường lối đối ngoại. Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ nhưng "đa dạng hóa, đa phương hóa"; là bạn bè, đối tác tin cậy với tất cả nước trên thế giới; là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển; làm sâu sắc thêm đường lối ngoại uyển chuyển, là đường lối đối ngoại "cây tre" - gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển; làm sâu sắc thêm phương châm trong công tác đối ngoại là "dĩ bất biến, ứng vạn biến".

Thủ tướng đề nghị ngành ngoại giao thường xuyên nắm chắc tốt nhất, phân tích diễn biến tình hình thế giới và khu vực toàn diện, bao trùm, không để Đảng, Nhà nước bị bất ngờ về chiến lược, những vấn đề mới, nhạy cảm phát sinh trong đường lối đối ngoại. Cán bộ làm công tác ngoại giao nêu cao tinh thần trách nhiệm, đam mê nghề nghiệp. Thủ tướng cho rằng: Nếu đã xác định đối ngoại là mặt trận thì mỗi cán bộ ngoại giao phải là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đối ngoại, để góp phần thực hiện tốt 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện tốt 2 mục tiêu phát triển 100 năm.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Ngoại giao xây dựng chương trình hành động, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị trước tháng 10/2025. Xây dựng Đảng bộ Bộ Ngoại giao trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên, phát huy tinh thần dân chủ; phát huy tinh thần trách nhiệm, sự đam mê, cống hiến, nhất là của các thế hệ lãnh đạo Bộ Ngoại giao đi trước:
"Với chương trình nội dung Đại hội đã đề ra, với tinh thần trách nhiệm cao, đam mê nghề nghiệp cháy bỏng, khát vọng cống hiến, mong muốn thể hiện giá trị và vượt qua giới hạn của bản thân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Với tinh thần là nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Phát huy tinh thần này trong hoạt động đối ngoại. Tôi tin chắc các đồng chí sẽ ghi thêm thắng lợi, tô thắm thêm truyền thống lịch sử vẻ vang 80 năm ngành ngoại giao của chúng ta. Xin trân trọng cảm ơn tất cả các đồng chí", Thủ tướng nêu rõ.
Đại hội đã công bố Quyết định của Đảng ủy Chính phủ chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2025-2030 gồm 34 đồng chí, trong đó có đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Ngoại giao.
Thay mặt Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2025-2030, đồng chí Bùi Thanh Sơn nêu rõ: "Chúng tôi xin hứa trước đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chính phủ, trước Đại hội Đảng bộ tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2005-2030, sẽ đoàn kết một lòng, luôn rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng; phấn đấu hết sức mình, nỗ lực vượt mọi khó khăn, không ngừng đổi mới tư duy và nâng cao năng lực lãnh đạo; tiếp nối và kế thừa những thành quả đã đạt được cùng với toàn đảng bộ; phát huy truyền thống vẻ vang của ngành ngoại giao; quyết tâm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội, xây dựng Đảng bộ vững mạnh, toàn diện, hiện đại, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới"./.
Lại Hoa/VOV1
Bình luận