Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" bảo vệ nhà nông trước thiên tai (28/07/2025)
VOV1 - Trung bình mỗi năm, thiên tai ở nước ta gây thiệt hại từ 15.000 đến 30.000 tỷ đồng. Vì vậy, ngành bảo hiểm nông nghiệp trở thành một công cụ có khả năng san sẻ rủi ro rất hiệu quả, giúp giảm gánh nặng tài chính cho cả người dân và ngân sách quốc gia khi thiên tai bão lũ xảy ra.

      Cơn bão số 3 Wipha vừa qua quét qua các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, gây lũ quét và ngập úng nhiều ngôi nhà, diện tích lúa, hoa màu và nuôi trồng thuỷ sản. Tại địa bàn thôn Trà Bôi, xã Thái Thụy, tỉnh Hưng Yên nước dâng cao khi mưa lớn do bão đã làm thiệt hại hàng chục ha lúa, hoa màu và ao nuôi thủy sản của người dân. Ông Nguyễn Hồng Quang, hộ dân nuôi thủy sản ở thôn Trà Bôi tiếc nuối khi ao cá của gia đình đã bị ngập, bao tiền đầu tư mua giống cá tôm gần như mất trắng.

      Thế nhưng, cũng như nhiều hộ dân khác, ông Quang cũng chưa mua bảo hiểm nông nghiệp nên không có khoản tài chính nào hỗ trợ cho gia đình. Ông cho biết, giá như biết đến bảo hiểm nông nghiệp sớm hơn thì có lẽ trong lúc khó khăn này sẽ có một phần tài chính để khôi phục sản xuất.

     Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 7 tháng đầu năm, một số đợt thiên tai nghiêm trọng xảy ra trên cả nước như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở,… xảy ra tại nhiều địa phương đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Thiên tai từ đầu năm 2025 đến ngày 23/7 đã làm 114 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính trên 553 tỷ đồng.

     Trong bối cảnh đó, bảo hiểm trở thành một công cụ tài chính hữu hiệu, giúp người dân và doanh nghiệp có điểm tựa để phục hồi sau thiên tai. Trên thực tế, những minh chứng từ các vụ việc gần đây đã cho thấy vai trò rõ ràng và tích cực của bảo hiểm.

      Theo Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Agribank, trong đợt bão Yagi lớn lịch sử năm ngoái, nhiều khách hàng tham gia bảo hiểm tại Bảo hiểm Agribank đã được chi trả quyền lợi kịp thời. Điển hình là Công ty Việt Trường tại Hải Phòng đã được chi trả trên 22 tỷ đồng, nhờ đó có nguồn tài chính ổn định để tái sản xuất, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Tại Công ty thiết bị điện Presenza, Bảo hiểm Agribank đã tạm ứng ngay 1 tỷ đồng cho khách hàng khi bão vừa tan để giúp công ty khắc phục hậu quả, nhanh chóng khôi phục sản xuất. Những phản ứng nhanh nhạy, hỗ trợ thực chất như vậy không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động mà còn tạo dựng niềm tin vào bảo hiểm trong cộng đồng. Thống kê từ Bảo hiểm Agribank cho thấy, riêng trong cơn bão Yagi năm 2024 đã có 536 hồ sơ yêu cầu bồi thường với số tiền lên tới 177 tỷ đồng. Những con số này không chỉ phản ánh mức độ thiệt hại, mà còn là minh chứng cho sự đồng hành trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm.

      Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tại không ít nơi – đặc biệt ở khu vực nông nghiệp, vùng sâu, vùng xa – người dân vẫn chưa tiếp cận được với bảo hiểm, hoặc tiếp cận một cách rất hạn chế. Ngoài ra, không ít nông dân còn có tâm lý chủ quan, nghĩ rằng sẽ không có rủi ro xảy đến với sản xuất của mình nên không đầu tư mua, hoặc cho đó là chi phí chưa cần thiết, như chia sẻ của ông Trần Văn Hồng, nông dân ở tỉnh Đồng Tháp.

      Thêm vào đó, việc phát triển thị trường bảo hiểm – đặc biệt là bảo hiểm nông nghiệp – đang gặp không ít rào cản. Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, đã cấm việc bán kèm bảo hiểm với sản phẩm tín dụng, ảnh hưởng lớn đến kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng – vốn là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng ở khu vực nông thôn. Khi ngân hàng bị hạn chế tư vấn bảo hiểm, người dân lại càng khó tiếp cận hơn, nhất là với các sản phẩm thiết kế riêng cho người vay vốn nông nghiệp như Bảo an tín dụng, bảo hiểm mùa vụ, bảo hiểm vật nuôi.

     Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm cho người dân yếu thế, hoàn thiện hành lang pháp lý minh bạch, nhất quán để các tổ chức tài chính và bảo hiểm có thể phối hợp triển khai sản phẩm phù hợp thực tế.

      Để bảo hiểm trở thành một thiết chế phổ biến và tất yếu trong đời sống xã hội, cần một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, ổn định và có tính thúc đẩy. Trước hết, cần ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ phí bảo hiểm cho người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp.

      Bên cạnh đó, Nhà nước nên ban hành Nghị định riêng về bảo hiểm nông nghiệp, trong đó quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tham gia, các mô hình hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và doanh nghiệp bảo hiểm.

       Cần khuyến khích các mô hình liên kết 4 nhà (Nhà nước – Nhà nông – Nhà khoa học – Nhà doanh nghiệp), trong đó bảo hiểm đóng vai trò là lớp áo giáp tài chính bền vững. Việc bảo hiểm nông nghiệp cho từng hộ nông dân đơn lẻ sẽ khó thu thập được cơ sở dữ liệu chính xác, thường xuyên, vì vậy thực hiện bảo hiểm nông nghiệp cần qua các Hợp tác xã. Ông Hoàng Trọng Thuỷ, chuyên gia nông nghiệp cho rằng.

       Đã đến lúc chúng ta cần hành động quyết liệt hơn, tháo gỡ rào cản, mở rộng chính sách, để bảo hiểm thực sự trở thành chiếc phao cứu sinh cho người dân trước thiên tai.

Thưa quý vị và các bạn! Trong những lúc thiên tai, mưa bão hay dịch bệnh, bảo hiểm nông nghiệp đã thể hiện là lá chắn kinh tế vững chắc cho khu vực tam nông, chia sẻ phần nào rủi ro thiệt hại cho nhà nông. Ra đời với mục tiêu đồng hành cùng tam nông – nông nghiệp, nông dân, nông thôn – Bảo hiểm ngân hàng nông nghiệp Agribank (ABIC) là một trong những đơn vị tiên phong không ngừng mở rộng mạng lưới, đưa các sản phẩm bảo hiểm đến gần hơn với bà con nông dân vùng sâu, vùng xa như: bảo hiểm cây lúa, bảo hiểm vật nuôi, bảo hiểm cây công nghiệp dài ngày…

Bảo hiểm Agribank đã từng bước phát triển và nhân rộng mô hình kênh phân phối, với hơn 3 triệu lượt hộ nông dân và hàng chục nghìn doanh nghiệp tham gia. Thời gian qua, bảo hiểm Agribank đã giải quyết gần 300.000 hồ sơ với tổng giá trị bồi thường hơn 6.000 tỷ đồng, qua đó góp phần giảm thiểu tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ ổn định sản xuất nông nghiệp, giúp các cá nhân, hộ vay vốn trả nợ vay ngân hàng, tái vay vốn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Ông Đỗ Minh Hoàng, thành viên Hội đồng Quản trị Bảo hiểm Agribank cho biết. 

Hương Lan VOV1

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận