Chỉnh lý, nâng cao chất lượng bộ câu hỏi Cuộc thi "Em yêu biển, đảo quê hương"
VOV1 - Thực tiễn sáp nhập đơn vị hành chính đặt ra một số vấn đề đối với chất lượng nội dung hệ thống ngân hàng câu hỏi Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương”, đòi hỏi Cảnh sát biển Việt Nam cần sớm cập nhật, chỉnh lý bảo đảm phù hợp với hợp với thời điểm hiện tại.

Hiện nay, hệ thống câu hỏi của Cuộc thi tập trung vào ba nhóm nội dung: kiến thức về lịch sử, địa lý biển đảo Việt Nam; kiến thức pháp luật về biển đảo; kiến thức về địa phương. Các nhóm nội dung câu hỏi được phân bổ hợp lý vào bộ câu hỏi chính và bộ câu hỏi phụ, tạo nên tổng thể thống nhất, hài hòa với lượng kiến thức vừa đủ cho lứa tuổi học sinh cấp Trung học cơ sở trong mỗi Cuộc thi.

Tuy nhiên, việc sáp nhập đơn vị hành chính hiện nay đặt ra những kiến thức mới, những vấn đề mới, đòi hỏi hệ thống câu hỏi của Cuộc thi cần được nghiên cứu, sửa đổi. Các đơn vị hành chính mới được thành lập hoặc hợp nhất dẫn đến việc nhiều câu hỏi trước đây không còn chính xác, ví dụ như: “Tỉnh A có bao nhiêu huyện giáp biển?” hay “Huyện đảo X thuộc tỉnh nào?”,... Dạng câu hỏi này sẽ gây khó khăn cho học sinh khi đơn vị hành chính cũ không còn tồn tại hoặc đã được đổi tên, gây nhầm lẫn trong nhận thức của học sinh về kiến thức lịch sử, địa lý và đơn vị hành chính.

Trước yêu cầu đó, việc cập nhật, chỉnh lý và hoàn thiện ngân hàng câu hỏi của Cuộc thi là cần thiết và phải được triển khai, bảo đảm sự thống nhất trên cả ba bình diện: nội dung, phương pháp và cơ chế tổ chức. Trọng tâm ở một số vấn đề là:

Nghiên cứu, điều chỉnh cân đối về số lượng và chất lượng các câu hỏi mang tính địa lý đơn thuần; tăng tỷ lệ các câu hỏi có tính bản chất, phản ánh vai trò chiến lược của biển đảo, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, chính sách pháp luật về biển đảo, vai trò của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam,… dựa trên cơ sở trình độ, năng lực của học sinh cấp Trung học cơ sở.

Cơ cấu hợp lý số lượng câu hỏi giữa các nhóm nội dung; thẩm định và kiểm duyệt chặt chẽ phần giải thích (giải nghĩa) đáp án và nguồn tài liệu trích dẫn. Bổ sung các câu hỏi tình huống gắn với thực tiễn áp dụng trong các trường hợp thi đấu đối kháng trực tiếp, xem đây là phương pháp giúp học sinh phát triển tư duy, năng lực phản biện và vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.

Chú trọng chuẩn hóa hệ thống câu hỏi, cập nhật đáp án theo danh mục đơn vị hành chính mới sau sáp nhập nhằm bảo đảm tính chính xác, nhất quán và phù hợp với thực tiễn, tránh gây hiểu nhầm hoặc sai lệch thông tin địa lý, hành chính trong nhận thức của học sinh. Việc cập nhật đồng bộ, kịp thời địa giới hành chính mới sau sáp nhập sẽ giúp Cuộc thi bảo đảm tính khoa học, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền chính thống, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức địa phương gắn với kiến thức về biển đảo.

Ngoài ra, cần bổ sung, lồng ghép các câu hỏi về chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính vào nội dung thi. Qua đó giúp học sinh hiểu rõ hơn đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; mục đích, ý nghĩa của việc sáp nhập đơn vị hành chính ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.

Sáp nhập đơn vị hành chính là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của nước ta, trong dòng chảy đổi mới ấy, việc cập nhật, chỉnh lý và hoàn thiện ngân hàng câu hỏi Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” không chỉ nhằm đáp ứng sự thay đổi về địa giới hành chính, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, tính chủ động và sự thích ứng linh hoạt của Cảnh sát biển Việt Nam. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền, bồi dưỡng nhận thức, tình cảm và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hà Phương - Bá Thanh

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận