Tiếp tục tăng cường kiểm tra, ổn định thị trường sau Tết Nguyên đán 2025
VOV1 - Nhằm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước, ngày 4/2/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 03 chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ ổn định thị trường sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Trong Chỉ thị số 03, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu thời điểm sau Tết để kịp thời có các giải pháp cân đối cung cầu, ổn định mặt bằng giá cả thị trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết; xử lý nghiêm các hành vi tăng giá bất hợp lý, đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết. Thủ tướng giao Bộ Công Thương nắm chắc tình hình thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các hàng hóa thiết yếu, có giải pháp điều tiết sản xuất, đẩy mạnh lưu thông, thúc đẩy tăng trưởng ngay từ những tháng đầu năm 2025. Theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu hàng nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp điều hành kịp thời, không để xảy ra ùn ứ. Triển khai thực hiện theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp- Kế hoạch Tài chính, Tổng cục QLTT, Bộ Công thương cho biết: “Để đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hoá sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Tổng cục QLTT đã ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả dịp sau Tết. Theo đó kế hoạch cao điểm được triển khai đến hết ngày 1/3/2025, lực lượng QLTT cả nước sẽ đồng loạt thực hiện các nhiệm vụ tập trung tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, kinh doanh vận chuyển tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng. Chú trọng các mặt hàng thiết yếu như hàng điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng, quần áo, bánh kẹo… và các mặt hàng tươi sống. Chúng tôi phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Bộ Đội biên phòng, Hải quan, tổ chức có hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu gian lận thương mại tại các khu vực biên giới, cảng hàng không các kho hàng, điểm tập kết hàng hoá và phối hợp với các Sở Công thương các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu, nhất là những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trong thời gian qua để chủ động có phương án, hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến dịp sau tết Nguyên đán”.

Chỉ thị số 03 nêu rõ, Bộ Tài chính nâng cao hiệu quả quản lý thu, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chú trọng quản lý thu đối với các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, giao dịch xuyên biên giới, dịch vụ ăn uống, lưu trú…; tăng cường kiểm tra, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử, phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 ở mức cao nhất. Ông Nguyễn Tiến Minh, Phó Cục trưởng Cục thuế thành phố Hà Nội, Tổng cục thuế, Bộ Tài chính cho biết: “Chúng tôi có 9 nhóm giải pháp triển khai, trong đó có một giải pháp là giao chỉ tiêu chuyển đổi số trong từng khâu, từng bước công việc đến các chi cục thuế để thực hiện. Về phương châm và phương pháp triển khai thì chúng tôi xác định xây dựng cơ sở dữ liệu là nền tảng, tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế là trọng tâm và thanh tra kiểm tra là then chốt. Còn về phương pháp thì chúng tôi xác định là kết hợp giữa quản lý đối tượng và quản lý theo chức năng, chuyển đổi số theo từng khâu, từng công việc và áp dụng quản lý rủi ro là lần đầu tiên công tác thanh tra kiểm tra thuế sẽ vào cuộc trong công tác quản lý hộ kinh doanh”.

Triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan Hải quan xác định nhu cầu đi lại dịp sau Tết nguyên đán tiếp tục tăng cao, nên xăng dầu là một trong những mặt hàng trọng tâm được tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Trong đó, toàn ngành tập trung kiểm tra các vi phạm liên quan đến vị trí neo đậu, cơ sở bán xăng dầu, hoá đơn chứng từ, nguồn gốc hàng hoá. Cùng với xăng dầu, các nhiên liệu có nhu cầu tăng cao như than và các mặt hàng tiêu dùng như rượu ngoại, thuốc lá cũng được thường xuyên kiểm tra, để kịp thời phát hiện và xử lý. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan số 2, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát công khai trên địa bàn, kết hợp với việc tuyên truyền chính sách pháp luật, vận động quần chúng nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, không tham gia buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, duy trì và làm tổt công tác kết phối hợp với các lực lượng chức năng trong và ngoài ngành, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp  để đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật”.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 02 năm 2025. Hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, trình Chính phủ trong quý I năm 2025 để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đối với thị trường vàng, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương giám sát chặt chẽ, triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng; khẩn trương tổng kết, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trình Chính phủ trong quý 2/2025./.

Phạm Hạnh/VOV1

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận