Tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với mặt hàng đường cát
VOV1 - Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng đường cát vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước và việc tiêu thụ mía nguyên liệu của nông dân.

Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Trị, vấn đề buôn bán đường kính lậu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thời gian qua còn nhiều diễn biến phức tạp. Trong 5 tháng cuối năm ngoái, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã phát hiện, kiểm tra và xử lý gần 30 vụ việc kinh doanh đường cát nhập lậu với tổng số tang vật vi phạm hành chính gần 70 tấn đường do Thái Lan sản xuất, trị giá gần 2 tỷ đồng. Ông Dương Hữu Minh, Đội QLTT số 1, Chi cục QLTT tỉnh Quảng Trị nêu thực tế tại địa phương: 

"Đội QLTT số 1 đã tổ chức hội nghị tại chợ Đông Hà để tuyên truyền phổ biến pháp luật đến bà con hộ kinh doanh mặt hàng đường cát không kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu. Trong  thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hộ kinh doanh đường không rõ nguồn gốc xuất xứ tại thị trường nội địa".

Từ những vụ việc buôn lậu đường cát trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, cơ quan chức năng nhận định, đối tượng buôn lậu lặp lại hành vi nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn, cho thấy các đối tượng bất chấp các quy định của pháp luật, tìm mọi cách, mọi đủ thủ đoạn để thực hiện hành vi vi phạm. Đường lậu không chỉ gây thất thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước, mà còn tác động tiêu cực đến đời sống của người nông dân trồng cây mía làm nguyên liệu sản xuất đường, kìm hãm sản xuất trong nước. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, không chỉ tại Quảng Trị, các tháng đầu năm nay, lực lượng liên ngành các tỉnh: Quảng Nam, Ninh Thuận, Phú Yên, Vĩnh Phúc, Nghệ An… cũng phát hiện hàng chục vụ vận chuyển, kinh doanh đường nhập lậu. Trong khi đó, năm 2024, thị trường trong nước phản ánh sức cầu sản phẩm đường rất thấp, nguồn cung đường dồi dào từ nguồn nhập khẩu trực tiếp chính ngạch đường từ các nước ASEAN và đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam. Hơn nữa, thị trường đường còn bị thu hẹp bởi lượng lớn đường lỏng siro ngô nhập khẩu, khiến cho thị trường tiếp tục tình trạng thừa cung, đường sản xuất từ mía của các nhà máy không bán được phải tồn kho. Đường nhập lậu và đường lỏng siro ngô với ưu thế giá rẻ tiếp tục gây nhiễu loạn thị trường. Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: hàng trăm tấn đường nhập lậu, chủ yếu do Thái Lan sản xuất bị lực lượng chức năng bắt giữ khi đang vận chuyển vào sâu trong nội địa thời gian gần đây là mối đe dọa với các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước:

"Hiện nay, các gói đường đóng túi ở trên thị trường tự do, trôi nổi là đang có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật hiện hành về an toàn thực phẩm, về mặt ghi nhãn hàng hoá, về mặt truy xuất hàng hoá. Và đường nhập lậu cho nên họ mới cố tình vi phạm các quy định về ghi nhãn hàng hoá và quy định về xuất xứ hàng hoá, cho nên hiện nay hầu hết trên thị trường trôi nổi là đường nhập lậu. Khi áp dụng hàng rào phòng vệ thương mại mặt hàng đường có nghĩa là mặt hàng đó là ngăn đường phá giá tràn vào thì hiện tượng gian lận thương mại đường nhập lậu bùng phát dữ dội".

Trên các sàn thương mại điện tử, các đối tượng kinh doanh đường nhập lậu đang lợi dụng triệt để ưu thế của hình thức kinh doanh trực tuyến để phân phối đường không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất trong nước và thất thu nghiêm trọng ngân sách nhà nước. Thượng tá Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế, Bộ Công an cho biết: không có vùng cấm trong xử lý buôn lậu đường cát:

"Chúng tôi tổ chức phòng ngừa đấu tranh với 3 định hướng, thứ nhất là đầu vào trực tiếp từ biên giới và trên tuyến đường vận chuyển, chủ yếu là trên khâu vận chuyển chính và các bến bãi tập kết trước khi vận chuyển đi tiêu thụ ở trong các địa phương khác, phối hợp với các lực lượng chức năng ngăn chặn chỉ đạo đối với lực lượng cảnh sát kinh tế của lực lượng công tác các đơn vị địa phương trong tổ chức đấu tranh và xử lý…".

Để nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng đường cát, trong nội dung công văn số 141, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường thực hiện nghiêm các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép đường cát nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xác định rõ đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan như: Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an, Thuế kiểm tra các cơ sở sang chiết, đóng gói đường cát, cơ sở sản xuất đường phèn; cơ sở thu mua đấu giá mặt hàng đường cát nhằm ngăn chặn việc lợi dụng chứng từ để hợp thức hóa đối với mặt hàng đường cát nhập lậu. Ngoài ra, cần đổi mới việc tuyên truyền phổ biến pháp luật dưới nhiều hình thức để xã hội nhận biết tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại, tuyên truyền cho nhân dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, tham gia tố giác tội phạm, cùng chung tay với các lực lượng chức năng trong lĩnh vực này./.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận