Chiều nay (02/04), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 2 Ban Chỉ đạo xây dựng đề án phát triển kinh tế tư nhân.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Đề án phát triển kinh tế tư nhân đề xuất quan điểm: Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế, năng suất lao động, giải quyết việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Kinh tế tư nhân là lực lượng nòng cốt thúc đẩy công nghiệp hóa hiện đại hóa. Phát triển kinh tế tư nhân là phương thức quan trọng nhất để giải phóng sức sản xuất, kích hoạt, huy động tối đa mọi nguồn lực của người dân vào phát triển kinh tế, xã hội. Kinh tế tư nhân được tự do kinh doanh trong tất cả các ngành nghề mà Luật không cấm. Có cơ chế đột phá để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân thực sự sở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Đến năm 2045, kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, năng suất lao động cao.
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo góp ý vào các giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, đề nghị tập trung cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng quyền tài sản, quyền sở hữu của kinh tế tư nhân. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú cho rằng, trong xây dựng pháp luật để phát triển kinh tế tư nhân thì cần đặc biệt nhấn mạnh việc quản lý dựa trên rủi do. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp hiện nay việc quản lý tất cả các doanh nghiệp như nhau dẫn đến chi phí quản lý rất lớn mà hiệu quả có thể không đạt được. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh việc hoàn thiện pháp luật, quản lý nhà nước phải thể hiện trên pháp luật là “quản lý ựa trên rủi do”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong các giải pháp cần tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn lực về vốn và đất đai. Thứ nhất là tiếp cận vốn, làm thế nào để có cơ chế, điều kiện cởi mở hơn, thông thoáng hơn. Có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn nhưng đồng thời được ưu đãi, nhất là trong lĩnh vực khuyến khích như: công nghệ cao, chuyển đổi xanh... Thứ hai là tiếp cận mặt bằng, đất đai, lần này có những chính sách rất mạnh.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tình hình đất nước hiện nay đòi hỏi nhiều nhiệm vụ đột phá, bứt phá phát triển kinh tế của đất nước. Trong đó, kinh tế tư nhân là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất, đóng góp quan trọng vào tăng trường kinh tế, tạo viêc làm, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước, 82% tổng số lao động. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường thế giới…
Thủ tướng đề nghị làm rõ vai trò khu vực kinh tế tư nhân; lý giải “kinh tế tư nhân có phải là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng?”. Thủ tướng cũng đề nghị bảo vệ được quyền sở hữu tải sản để doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn đầu tư kinh doanh, tạo công ăn việc làm và sinh tế cho người dân; đặc biệt lưu ý làm rõ các quyền của doanh nghiệp tư nhân, trong đó có quyền tự do kinh doanh, quyền tiếp cận vốn, tài sản, tài nguyên của đất nước.
Thủ tướng gợi mở “Đối với quyền tiếp cận tài sản thì thời gian tới chúng ta một loạt trụ sở cấp huyện giải phóng thì doanh nghiệp tư nhân có được mua không? được đấu giá không? Quyền tiếp cận tài sản rất quan trọng. Doanh nghiệp tư nhân có được khai thác mỏ không? Các mỏ hiện nay quyền tiếp cận thuộc nhà nước. Tài nguyên, tài sản của nhà nước là sở hữu toàn dân. Quyền tiếp cận tư nhân là quyền nào?”
Thủ tướng gợi ý mạnh dạn giao cho doanh nghiệp tư nhân làm các lĩnh vực như xây dựng các tuyến đường sắt, xây dựng sân bay, hay các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh…Để tạo đột phá, phát triển Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đổi mới tư duy, tạo sự thống nhất cao về nhận thức, khơi dậy niềm tin, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tập trung cải cách thể chế: Thể chế thông thoáng và thể chế phải bỏ những thủ tục rườm rà, cắt giảm thủ tục hành chính, những thủ tục không cần thiết. Thông thoáng ở đây là điểm nào? Cuối cùng là không gây phiền hà, gây ách tắc cho người dân và doanh nghiệp để phát triển kinh tế tư nhân. Thứ hai là giảm chi phí tuân thủ cao nhất, có thể giảm thủ tục hành chính theo lộ trình mà Chính phủ đưa ra. Theo Thủ tướng, thủ tục thành lập doanh nghiệp phải thật sự đơn giản trong 1 ngày phải hoàn tất “nếu thủ tục mất 7 ngày thì không ổn”.
Thủ tướng cũng đề nghị đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững trong kinh tế tư nhân; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI; xây dựng đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, thúc đẩy tinh thần kinh doanh và tạo niềm tin, động lực và điều kiện để doanh nhân tham gia bảo vệ đất nước./.
Lại Hoa- VOV1
Bình luận