Xuất khẩu- Đầu tư- Tiêu dùng vẫn là động lực tạo sức bật kinh tế
VOV1 - Kinh tế 6 tháng đầu năm 2025 tăng trưởng ấn tượng. Qua số liệu thống kê, các chuyên gia phân tích, 3 động lực tăng trưởng "truyền thống" là xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng vẫn là những nhân tố chính tạo nên kết quả khả quan này

Theo Cục Thống kê, Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong quý II/2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 116,93 tỷ USD, tăng 18,0% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.416,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2024. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước tính sáu tháng đầu năm đạt 1.591,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/6/2025 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,52 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước.

Chuyên gia kinh tế, TS  Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam nhận định:

"Kinh tế những tháng đầu năm 2025 tăng trưởng ấn tượng. Qua số liệu thống kê, nhận thấy 3 động lực tăng trưởng: xuất khẩu; đầu tư, tiêu dùng vẫn là những nhân tố chính tạo nên kết quả. Công nghiệp chế biến chế tạo là “xương sống” của xuất khẩu tăng 12%. Tiêu dùng trong nước tăng gần đạt ngưỡng 2 con số. Những yếu tố này được phát huy, cùng với những độg lực tăng trưởng mới sẽ góp phần thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 8% cả năm nay."

Đóng góp nổi bật cho tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm chính là ngành du lịch. Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), nhu cầu tiêu dùng, du lịch của người dân trong nước tăng trong các dịp lễ, Tết, nghỉ hè cùng với số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng là các nhân tố đóng góp tích cực cho tăng trưởng của ngành thương mại, dịch vụ từ đầu năm đến nay. Với chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, các hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng. 6 tháng đầu năm 2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10,7 triệu lượt người, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng khoảng 85% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của cả nước và tiếp tục là động lực tăng trưởng của xuất khẩu. Con số này cho thấy đóng góp từ hoạt động sản xuất công nghiệp vào xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế nói chung là rất lớn. Ông Phạm Văn Quân - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương phân tích:

"Theo ước tính của Bộ Công Thương thì chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 6 tháng đầu năm 2025 đã tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2024 chỉ số này chỉ tăng 3,7%). Trong đó, một số ngành có đóng góp nổi bật, như: công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11% tiếp tục là động lực chính của tăng trưởng, công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng khoảng 5,2%. Một số ngành khác cũng có mức tăng trưởng khả quan, như: điện tử, linh kiện tăng 14% nhờ sự phục hồi đơn hàng từ Mỹ và châu Âu (EU), ngành cơ khí chế tạo, kim loại tăng 9,3% nhờ nhu cầu nội địa tăng và giải ngân đầu tư công khá tốt."

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp đáng kể vào tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam thông qua nhiều kênh khác nhau. Đây tiếp tục là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế của nước ta nửa đầu năm nay. Trong 21,52 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 6 tháng qua, thì số vốn thực hiện đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của sáu tháng trong 5 năm qua. Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư quốc tế có xu hướng chậm lại, kết quả này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành. Đó cũng là thành quả của quá trình xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ liên tục trong hai năm qua. Ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam nhận định:

"Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của chúng ta hiện nay vẫn đang tốt. Các doanh nghiệp FDI đang nhìn thấy Việt Nam có nhiều lợi thế, trong đó có lợi thế là chính trị ổn định, kinh tế đang phát triển ở tốc độ cao. Các ưu đãi về thuế, về nhân công và về năng lượng vẫn đang thấp hơn các nước trong khu vực. Đó là các động lực quan trọng. Tôi cho rằng, chính sách thu hút của ta vẫn đang được duy trì, nhưng ta cần phải có những cải tiến và cập nhật thêm để thu hút những nhà đầu tư có chất lượng cao, những “đại bàng” công nghệ, thì lúc đó chúng ta mới thành công."

Bên cạnh những kết quả đã đạt được của 3 động lực tăng trưởng truyền thống, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế nước ta đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ và căng thẳng địa chính trị, đe dọa đứt gãy chuỗi cung ứng, ẩn chứa nhiều rủi ro với doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu, tác động tới thu hút FDI. Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên Đại học kinh tế quốc dân nhìn nhận:

"Thứ nhất là tổng cầu trong nước cần kích cầu mạnh hơn nữa để làm chỗ dựa, trụ vững cho nền kinh tế, cho tăng trưởng lâu dài. Việc làm cần phải tạo ra nhiều hơn nữa, trên cơ sở đó tổng cầu sẽ được mở rộng. Thứ hai là nhìn kỹ ta thấy xuất nhập khẩu chủ yếu do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, do vậy cần tăng sức cạnh tranh thực chất của hàng hóa Việt Nam để tạo giá trị gia tăng thực sự từ nội lực".

Nhóm phóng viên VOV1

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận