Diễn đàn hướng tới mục tiêu kiến tạo một mô hình kinh tế số mang tính địa phương hóa nhưng gắn kết chặt chẽ với các mạng lưới chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu, có sự đồng hành chiến lược của Tập đoàn NTT Nhật Bản, CTCP Công nghệ Chế tạo Kami và các đối tác quốc tế khác. Tại sự kiện, ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương năng động, sáng tạo, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế số. Với vị trí chiến lược – nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tiếp giáp Hà Nội, Vĩnh Phúc có hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ; hệ sinh thái công nghiệp đa dạng – là điểm đến của nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Toyota, Honda, Piaggio, Compal,…Với quyết tâm chính trị cao từ lãnh đạo tỉnh đến cơ sở, cùng sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong công cuộc chuyển đổi số và đặc biệt với định hướng chiến lược là trở thành trung tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao, logistics, đô thị thông minh và dịch vụ hiện đại, Vĩnh Phúc đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ trong thời đại số.
Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) nhấn mạnh: Diễn đàn tạo ra không gian kết nối giữa lãnh đạo địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia và nhà đầu tư để cùng trao đổi về định hướng phát triển kinh tế số. Chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở công nghệ, mà là sự thay đổi toàn diện trong tư duy phát triển và vận hành.
Diễn đàn “Xây dựng kinh tế số địa phương trên nền tảng chuỗi cung ứng công nghệ cao” được tổ chức nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện tại Vĩnh Phúc, khai thác tiềm năng của chuỗi cung ứng công nghệ cao như một đòn bẩy chiến lược để phát triển kinh tế số một cách bền vững, sáng tạo. Đây là một bước đi thiết thực và cụ thể nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, ban hành ngày 22/12/2024, về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Diễn đàn được tổ chức với các mục tiêu: (1) Thảo luận về các giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng chuỗi cung ứng, từ sản xuất, vận chuyển đến tiêu dùng thông minh; (2) Đề xuất cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào hệ sinh thái kinh tế số; (3) Tạo điều kiện để các startup công nghệ tiếp cận với nguồn lực hỗ trợ từ địa phương và quốc tế; (4) Kết nối giữa doanh nghiệp công nghệ và chính quyền địa phương nhằm cùng phát triển mô hình kinh tế số phù hợp với đặc thù của tỉnh.
Xuân Lan- VOV1.