Tạo những đột phá mạnh mẽ trợ lực cho doanh nghiệp
VOV1 - Trước bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với rất nhiều rủi ro, thách thức về căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại … Các chuyên gia cho rằng, để tạo động lực cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn thách thức hiện nay, nhà nước cần tạo những đột phá mạnh mẽ hơn nữa.

Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính) tăng trưởng kinh tế quý I năm nay đạt 6,93%. Tính chung quý I/2025, cả nước có hơn 72,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 24,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Mặc dù vậy, theo ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khảo sát của VCCI cho thấy, trên quy mô toàn quốc chỉ 32% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Dù hiện nước ta có gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, song các doanh nghiệp vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm đến 98%) và chỉ có khoảng 2% các doanh nghiệp lớn. Điều này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức: “Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào. Do đó, để có thể bứt phá vào năm 2025, việc cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là những chìa khóa then chốt”- ông Hoàng Quang Phòng cho hay.

Đồng quan điểm này, theo ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế tài chính của Quốc hội, thể chế là công cụ duy nhất và cần thiết thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Tuy nhiên, nếu thể chế không tốt có nguy cơ tạo những rào cản tác động đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, cải cách thể chế không chỉ là cắt giảm thủ tục hành chính mà còn là cắt giảm chi phí tuân thủ. Do đó cho rằng, cần nâng cao chất lượng quy định hiện hành - yêu cầu cấp thiết và quan trọng; nâng cao hiệu quả thực thi quy định pháp luật theo đúng tinh thần của các bộ luật và đảm bảo tính thống nhất và chất lượng các quy định pháp luật được ban hành mới.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước thay đổi, ông Phan Đức Hiếu nêu ý kiến, cải cách thể chế không chỉ hướng đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà cần tạo đột phá mạnh mẽ: “Trong thời gian tới, Chính phủ nên thành lập cơ quan chuyên môn giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế có thẩm quyền- tồn tại cơ quan này trong vòng 5 hoặc 10 năm. Cơ quan này có các chức năng chính như: thẩm quyền, chuyên môn, độc lập… Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm bác đề xuất chính sách nếu không đạt chất lượng và đồng thời chủ động đề xuất cải cách phù hợp với yêu cầu phát triển”./.

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận