Tăng năng lực xử lý nợ xấu cho các ngân hàng thương mại
VOV1 - Tăng năng lực xử lý nợ xấu ngân hàng, không chỉ là luật hóa Nghị quyết số 42, mà cần đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy định liên quan ở các bộ luật khác. Đây là yêu cầu đặt ra để xử lý hiệu quả nợ xấu, giúp dòng chảy tín dụng góp phần tích cực hơn vào tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

Nghị quyết số 42 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã tạo chuyển biến tích cực cho hoạt động này và đã từng được gia hạn hiệu lực đến hết năm 2023. Sau đó, Luật các Tổ chức tín dụng năm 2024 đã không luật hóa một số quy định trong Nghị quyết 42, như quyền thu giữ tài sản đảm bảo… ảnh hưởng đến khả năng xử lý và thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tổng nợ xấu toàn hệ thống vào cuối năm 2024 lên đến 1 triệu 030 nghìn tỷ đồng, và tăng thêm 34 nghìn tỷ đồng trong hai tháng đầu năm 2025.

Tổng Giám đốc ngân hàng MB Phạm Như Ánh đặt kỳ vọng vào việc nghị quyết 42 được Luật hóa trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng 2024, được xem xét, thông qua theo quy trình rút gọn ngay tại kỳ họp thứ 9 đang diễn ra: "Điều chỉnh Luật tổ chức tín dụng trong đó có nội dung Luật hóa Nghị quyết 42 thì tôi nghĩ sau khi Luật có hành lang pháp lý xử lý tài sản đảm bảo sẽ giúp ngân hàng thu hồi nợ xấu, giảm chi phí rủi ro và có cơ hội giảm chi phí tài chính cho các doanh nghiệp vay vốn".

Chuyên gia kỳ vọng, các quy định được bổ sung, sửa đổi sẽ tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ, xử lý các vướng mắc, khó khăn thực tiễn, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng. Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban dân nguyện và giám sát của Quốc hội nêu ý kiến: "Dự thảo luật lần này luật hóa nhiều chính sách được nêu trong Nghị quyết 42 về thí điểm. Trong Nghị quyết 42 có nhiều quy định khác với các quy định của luật hiện hành, đặc biệt là những quy định liên quan đến Luật Thi hành án dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự. Cho nên chúng tôi đề nghị khi luật hóa các quy định của Nghị quyết 42 đảm bảo thống nhất của hệ thống pháp luật".

Chuyên gia khuyến nghị, luật hóa Nghị quyết 42 là cần thiết, nhưng cũng cần “rào cho kín”. Như việc trao cho tổ chức tín dụng quyền thu giữ tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, thì cũng phải quy định chặt chẽ về nguyên tắc, điều kiện ràng buộc để tránh lạm dụng. Điều quan trọng là xử lý nợ xấu một cách hiệu quả, lành mạnh, góp phần khơi thông và tăng cường dòng tín dụng ngân hàng để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững dài hạn./.

Trung Hiếu - VOV1

 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận