
Trong bối cảnh toàn cầu đang đứng trước thách thức kép: vừa phải duy trì tăng trưởng kinh tế, vừa ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, mô hình phát triển khu công nghiệp truyền thống đang bộc lộ nhiều hạn chế. Các quốc gia đang dịch chuyển mạnh mẽ sang mô hình kinh tế tuần hoàn, xanh và phát thải thấp, trong đó có Việt nam. Những cam kết quốc tế về phát triển bền vững, các Hiệp định FTA thế hệ mới hay cam kết tại COP 26, đòi hỏi Việt nam phải có tư duy chiến lược và hành động cụ thể hơn bao giờ hết. Một trong những giải pháp thiết thực chính là chuyển đổi mô hình khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái- nơi các doanh nghiệp không chỉ hoạt động hiệu quả về mặt kinh tế, mà còn cộng sinh trong sử dụng tài nguyên, năng lượng, chia sẻ hạ tầng và giảm phát thải. Trong giai đoạn 2020-2023, Bộ Kế hoạch đầu tư (nay là Bộ Tài chính) phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) triển khai thí điểm tại 3 khu công nghiệp tại TP HCM, Hải Phòng và Đồng Nai cho kết quả khả quan, 98 doanh nghiệp đã triển khai 436 giải pháp tiết kiệm tài nguyên và sản xuất sạch hơn, giúp tiết kiệm 2,6 triệu USD mỗi năm và cắt giảm 139.000 tấn CO2 hàng năm.
Ông Hoàng Anh Phú- Điều phối viên Dự án quốc gia của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính nhấn mạnh: “ Tại VN, xu hướng này đang nhận được sự quan tâm sâu sắc từ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Các khu công nghiệp hiện đại, đồng bộ, thân thiện với môi trường đang trở thành tiêu chí quan trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, đặc biệt từ các quốc gia phát triển có tiêu chuẩn ESG khắt khe. Việc chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái không chỉ giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn thể hiện trách nhiệm với xã hội và đóng góp vào các mục tiêu quốc gia về phát triển xanh”
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Trâm Anh- Quản lý Dự án Quốc gia Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu Việt Nam- UNIDO đã chia sẻ mô hình chuyển đổi thành công từ Khu công nghiệp truyền thống sang Khu công nghiệp sinh thái của nhiều nước trên thế giới, như Đan Mạch, Hàn Quốc. Đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp tại Bắc Ninh cập nhật những kiến thức và lộ trình về việc chuyển đổi sang mô hình Khu công nghiệp sinh thái, mang lại hiệu quả cao theo Nghị định 35/2022 của Chính phủ và Thông tư 05/2025 của Bộ KHĐT (nay là Bộ Tài chính). Kết quả hỗ trợ và triển khai Khu công nghiệp sinh thái ở Việt nam từ 2020-2024 của Chương trình đã có 211 cơ hội đang lên kế hoạch, tiết kiệm tài chính 8,5 triệu USD/năm, 43.026 MWh điện/năm, giảm phát thải 82.566 tấn CO2/năm…
Bà Nguyễn Trâm Anh- Quản lý Dự án Quốc gia Chương trình Khu công nghiệp sinh thái toàn cầu Việt Nam- UNIDO cho biết: “Chúng tôi thấy rằng hiện nay việc chuyển đổi sang mô hình sinh thái đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều các tổ chức quốc tế, ví dụ như Chính phủ Thụy Sĩ trong hơn 10 năm qua đã hỗ trợ Việt Nam, sắp tới thì EU cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong việc chuyển đổi sang mô hình sinh thái. Đây là một điều kiện rất thuận lợi để các khu công nghiệp hay các doanh nghiệp chúng ta sẵn sàng tâm thế để thực hiện chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái. Chúng tôi cũng thấy là cho đến nay thì nhận thức của các bên liên quan từ doanh nghiệp đến Ban quản lý khu công nghiệp đến công ty, các địa phương, các nhà xây dựng luật pháp chính xác nhận thức đều đã được nâng cao rất nhiều về việc này, hiện nay chúng ta rất cần thiết phải chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái”.
Trong giai đoạn 2024-2028, Chương trình sẽ hỗ trợ thêm 5 Khu công nghiệp, trong đó có Khu công nghiệp VSIP tại Bắc Ninh, với mục tiêu xây dựng hinh sinh thái theo chuẩn quốc tế, làm cơ sở để nhân rộng trên toàn quốc.
Xuân Lan- VOV1.