Sửa Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là yêu cầu cấp bách
VOV1 - Tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ IX, Quốc hội Khoá XV, sáng nay (28/05/2025), Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành với mục tiêu khuyến khích các doanh nghiệp và người dân áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai và cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, quá trình chuyển dịch xanh của thế giới, và đặc biệt là hiện thực hoá mục tiêu trung hoà cac-bon (Net-zero) vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là yêu cầu cấp bách. 

#Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi sản xuất xanh, trong bối cảnh thế giới đang đẩy mạnh các công cụ chính sách như thuế carbon; cơ chế điều chỉnh carbon biên giới; nhãn xanh; hộ chiếu carbon. Ông Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng sạch Việt Nam nêu ý kiến: "Cơ chế, chính sách và phát triển năng lượng tái tạo cần được xây dựng có tính liên tục dài hạn hơn, đủ để các nhà đầu tư định hướng đầu tư phát triển các dự án nghiên cứu quy định về điện mặt trời, áp mái tự dùng không nối lưới tại các khu công nghiệp, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về năng lượng tái tạo cần ban hành đầy đủ và đồng bộ.

Ông Nguyễn Thăng Long, Hội khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cho rằng "khẩn trương sửa đổi, bổ sung Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, là cái gốc của vấn đề trong lĩnh vực này. Thứ hai, nếu đi kèm với nó lại sử dụng Nghị định hướng dẫn không còn đáp ứng được những mô hình mới đó, đặc biệt là trong sửa đổi luật và nghị định hướng dẫn thì nhấn mạnh và làm rõ hơn nữa là vai trò phân công, phân cấp phân quyền trong quản lý nhà nước".

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện tại cũng chưa có những quy định chi tiết về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ và triển khai các công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, nên các doanh nghiệp, đặc biệt là các cơ sở sản xuất lớn, vẫn ngần ngại trong việc đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng môi trường, Công ty chế biến khai thác khoáng sản Núi Pháo cho rằng: "Tôi thấy rằng là chưa có cơ chế chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đưa ra mục tiêu cao trong cái vấn đề mà sử dụng tiết kiệm năng lượng. Tôi thiết nghĩ rằng Nhà nước cơ quan quản lý nhà nước nên có cơ chế chính sách đưa ra cụ thể phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp đưa ra mục tiêu cao để giảm thiểu năng lượng tiết kiệm hiệu quả và giảm thiểu phát thải khí nhà kính"./.

PV Đỗ Minh

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận