Phóng viên Đài TNVN đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công về nội dung này.

PV: Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, vậy xin ông cho biết Nghị quyết có ý nghĩa như thế nào với khu vực kinh tế tư nhân trong bối cảnh hiện nay?
Ông Phạm Tấn Công: Nghị quyết 68 vừa ban hành của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân- có thể nói là một sự đột phá vô cùng lớn mà cộng đồng doanh nghiệp trông đợi và kỳ vọng lâu nay. Đây có thể nói là một cú huých, một Nghị quyết truyền cảm hứng cho doanh nhân, doanh nghiệp và cho toàn xã hội, để tất cả cùng đồng lòng huy động các nguồn lực vào với sự phát triển kinh tế- để huy động được sức dân cho sự phát triển các doanh nghiệp tư nhân thì môi trường kinh doanh thuận lợi an toàn, minh bạch, công bằng là điều kiện tiên quyết. Nghị quyết số 68 vừa ra đời, tôi cho rằng càng có vị trí, vai trò quan trọng hơn, để tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tích cực đưa dòng vốn vào các nguồn lực của mình vào phát triển kinh tế. Từ đó tạo ra sự tăng tốc phát triển tăng trưởng kinh tế hai con số của Việt Nam trong những năm tới.
PV: Trong Nghị quyết 68 có nhiều vấn đề được nêu lên nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp bứt tốc trong kỷ nguyên mới, theo ông đâu là những nội dung trong Nghị quyết đáp ứng được kỳ vọng, mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp?
Ông Phạm Tấn Công: Doanh nghiệp luôn luôn có khát vọng phát triển, nhưng thời gian vừa qua chúng ta nhìn thấy đâu đó có sự chững lại, kể cả dòng vốn của đầu tư các doanh nghiệp, cũng như vốn từ người dân. Do đó chưa bao giờ chúng ta nhìn thấy một thực tế, tiền gửi tiết kiệm cao như vậy và người dân mua vàng, mua đô la, mua bất động sản nhiều như vậy… Chính Nghị quyết 68 sẽ là Nghị quyết gỡ nút thắt này, để sức dân thực sự bắt đầu đi vào nền kinh tế một cách mạnh mẽ hơn, trước đây đã mạnh rồi, bây giờ sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa. Nghị quyết 68 sẽ khơi thông dòng chảy ấy và Nghị quyết sẽ truyền cảm hứng cho người dân và doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn.
Những điểm mới của Nghị quyết 68 đó là, điểm lớn nhất chính thức công nhận và đặt vị thế vai trò của kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế- bên cạnh đấy kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đây là sự thừa nhận và truyền cảm hứng cho doanh nhân, doanh nghiệp, cộng với đó các cơ chế để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, cũng được đưa ra những cải cách rất mạnh mẽ, từ môi trường kinh doanh, cơ chế để tạo nguồn vốn huy động nguồn lực, phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp- một điều kiện rất quan trọng trong khi chúng ta muốn phát triển kinh tế mà dựa vào khoa học công nghệ. Cùng với đó, những giải pháp đưa ra trong Nghị quyết 68 là rất tổng thể toàn diện. Do đó, tôi tin rằng Nghị quyết số 68 sẽ là một cú hích rất lớn, truyền cảm hứng khơi thông dòng chảy nguồn lực từ nhân dân, từ xã hội đưa vào để nền kinh tế để từ đó đưa đất nước tăng tốc phát triển trong giai đoạn sắp tới.
PV: Để Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống, theo ông việc thể chế hoá tinh thần của Nghị quyết cần được thực hiện như thế nào để kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng trong nền kinh tế của đất nước?
Ông Phạm Tấn Công: Lệnh mở thông đường mở cửa đã có, song khâu khó nhất đó là khâu tổ chức thực hiện. Chủ trương có rồi, bây giờ phải tổ chức thực hiện như thế nào, trong đó vai trò của hệ thống chính trị, của từng cán bộ phải có sự thay đổi. Cùng với đó, chúng ta tạo ra được một thể chế để thực hiện chủ trương lớn của Đảng, từ việc có thể chế hóa người cán bộ thực hiện như thế nào?. Vì thế ở đây vai trò của các tổ chức của các Hiệp hội doanh nghiệp- như VCCI sẽ là rất quan trọng, đây sẽ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp. Tôi cho rằng, những hoạt động như công bố chỉ số PCI hàng năm- chính là phản ứng quan điểm góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp về cách điều hành kinh tế của chính quyền các tỉnh, thành phố. Rất mừng là thời gian vừa qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất lắng nghe và sử dụng như một công cụ điều hành trong các hoạt động. Sắp tới VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp phải phát huy vai trò cầu nối của mình hơn nữa, để tích cực phản ánh những ý kiến của doanh nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện Nghị quyết 68. Từ đấy chúng tôi rất tin tưởng kỳ vọng Đảng, Nhà nước với quyết tâm cao để phát triển kinh tế cũng sẽ quyết tâm đưa nghị quyết số 68 đi vào cuộc sống một cách thực chất, lắng nghe ý kiến của người dân và doanh nghiệp- lấy người dân và doanh nghiệp là chủ thể là trung tâm lắng nghe ý kiến. Từ đó nhằm kịp thời điều chỉnh, tổ chức thực hiện Nghị quyết 68 một cách thành công.
Vâng xin trân trọng cảm ơn ông!