
Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế đánh giá, các động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của Việt Nam đang bị ảnh hưởng từ bối cảnh bất ổn của kinh tế thế giới hiện nay. Trong đó, cả 2 yếu tố, là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI và xuất khẩu, đều sẽ bị ảnh hưởng đáng kể trong bối cảnh hiện nay. Còn khu vực kinh tế tư nhân trong nước và tiêu dùng nội địa cũng sẽ bị ảnh hưởng, do người dân sẽ thận trọng hơn trong tiêu dùng, doanh nghiệp cũng thận trọng hơn thực hiện các dự án đầu tư lớn. TS. Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam nhận định:
Dường như con đường còn lại của chúng ta là khu vực kinh tế Nhà nước và đặt biệt là đầu tư công. Tuy nhiên, trong đầu tư công cần lưu ý 2 yêu cầu: Một là hỗ trợ được kinh tế tư nhân, để thúc đẩy và hỗ trợ kinh tế tư nhân, giảm bớt rủi ro cho họ. Hai là đầu tư công là mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ sao cho giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đó là 2 yêu cầu quan trọng.

Các chuyên gia kinh tế thống nhất quan điểm, trong bất ổn kinh tế toàn cầu, càng phải kiên định với các mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra, giữ được nguyên tắc cơ bản là ổn định kinh tế vĩ mô để tăng trưởng kinh tế, giữ mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo công bằng xã hội. GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá:
Chúng tôi cho rằng với những định hướng đang theo đuổi, như nâng cao năng lực đội ngũ quản lý Nhà nước, tinh giảm bộ máy, nâng cao hiệu quả đầu tư công, giảm bớt chi thường xuyên v.v… thì về cơ bản những mục tiêu đặt ra vẫn có thể trong khả năng vươn tới của kinh tế Việt Nam.
Tại hội thảo sáng nay, Đại học Kinh tế Quốc dân công bố ấn phẩm: Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2024, với chủ đề: “Thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong bối cảnh mới”.