Hội nghị là dịp để hai bên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu và trao đổi những cách làm hay, hiệu quả trong lĩnh vực kiểm toán công. Thông qua đó, Hội nghị không chỉ làm rõ hơn vai trò của cơ quan Kiểm toán nhà nước (KTNN) trong việc tham gia lập kế hoạch ngân sách và giám sát tài chính công, mà còn khẳng định trách nhiệm chung trong việc nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và hiệu quả sử dụng nguồn lực công.

2 nội dung chính được thảo luận tại Hội nghị:
Thứ nhất, về sự tham gia của KTNN vào chu kỳ lập kế hoạch ngân sách Nhà nước (NSNN). Đây là chủ đề khẳng định vai trò và sự đóng góp của KTNN Việt Nam trong quá trình các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ “xem xét dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW, phương án điều chỉnh dự toán NSNN, phương án bố trí ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định và quyết toán NSNN”. Những đóng góp này giúp đảm bảo việc sử dụng ngân sách quốc gia một cách hiệu quả, đúng mục tiêu và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, về cơ chế, thủ tục và phương pháp theo dõi việc thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đây là một nội dung có ý nghĩa then chốt nhằm đảm bảo tính hiệu lực và giá trị thực tiễn của kết luận kiểm toán. Kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán là một trong những thước đo về tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Giá trị của báo cáo kiểm toán chỉ thực sự phát huy khi kết luận, kiến nghị kiểm toán được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Do đó, việc theo dõi, kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán không chỉ giúp nâng cao chất lượng quản lý tài chính công mà còn góp phần xây dựng một nền tài chính quốc gia minh bạch, lành mạnh.

Tại Hội nghị, đại diện KTNN Việt Nam đã có 02 bài trình bày về: Việc tham gia của KTNN vào chu kỳ lập kế hoạch ngân sách nhà nước; Cơ chế, thủ tục và phương pháp theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Trong đó, về việc tham gia của KTNN vào chu kỳ lập kế hoạch ngân sách nhà nước, KTNN Việt Nam cho biết: Việc quyết định dự toán NSNN và phân bổ NSTW là một trong những chức năng hiến định quan trọng của Quốc hội, thể hiện vai trò trung tâm trong giám sát và quyết định chính sách tài chính quốc gia.
Vai trò của KTNN đối với việc xây dựng, quyết định dự toán NSNN, kế hoạch phân bổ NSTW đã được quy định trong Luật NSNN và Nghị quyết của Quốc hội. Thời gian qua, KTNN tham gia ý kiến đối với dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW giúp: Quốc hội có thông tin độc lập, khách quan từ KTNN trong việc xem xét, quyết định dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW; Chính phủ có thông tin phản biện khách quan trong việc lập, hoàn thiện báo cáo dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW trình Quốc hội; các đơn vị sử dụng NSNN có thông tin khách quan trong việc lập dự toán thu chi ngân sách hằng năm, đảm bảo tính kinh tế, khả thi của dự toán NSNN; xã hội có thông tin khách quan, độc lập trong việc đánh giá dự toán NSNN, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm giải trình; KTNN khẳng định vai trò và vị thế của KTNN, hướng tới giá trị cốt lõi “Minh bạch - Chất lượng - Hiệu quả và không ngừng gia tăng giá trị”.
Liên quan đến nội dung theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán, đại diện KTNN Việt Nam cho biết: Trong những năm qua, KTNN Việt Nam đã không ngừng cải tiến phương pháp, quy trình theo dõi để nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán, xem đây là một nhiệm vụ chiến lược nhằm gia tăng giá trị và tác động của hoạt động kiểm toán đối với xã hội và nền kinh tế.
Với sự nỗ lực, quyết liệt của KTNN, sự quan tâm, đồng hành của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quyết tâm cao của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán có nhiều chuyển biến tích cực. Về cơ bản, các kiến nghị của KTNN đều đã được các đơn vị tổ chức thực hiện; các kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác được thực hiện bình quân khoảng 75-80% cho năm liền kề năm kiểm toán và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo với tỷ lệ khoảng 15-20% số kiến nghị còn lại mỗi năm.
Đặc biệt, những năm gần đây kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán tăng cao. Đơn cử, năm 2024, tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán đạt 83,35%, trong đó kiến nghị xử lý tài chính về tăng thu, giảm chi NSNN đạt tỷ lệ 93,62%; kiến nghị khác đạt tỷ lệ 75,68%.
Để đạt được kết quả trên, KTNN đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm theo hướng tinh gọn, số lượng các cuộc kiểm toán giảm đáng kể so với giai đoạn trước để tập trung thực hiện có chiều sâu với phương châm “gọn nhưng chất lượng”; tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán; đảm bảo đồng bộ các quy trình văn bản hướng dẫn kiểm toán; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán…
Từ thực tiễn triển khai theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán, KTNN Việt Nam đúc kết một số bài học: Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán; việc theo dõi cần thực hiện thường xuyên liên tục và kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; xây dựng hệ cơ sở dữ liệu kiến nghị và theo dõi thực hiện kiến nghị thông suốt trong hệ thống của KTNN; xác định trách nhiệm theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán không chỉ là trách nhiệm riêng của KTNN mà còn là trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương, sự vào cuộc của các cơ quan dân cử…
Trong khuôn khổ Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cũng đã làm rõ thêm một số nội dung mà KTNN Lào quan tâm liên quan đến các nội dung trọng tâm mà KTNN Việt Nam tham gia ý kiến vào dự toán NSNN và phân bổ NSTW, việc tổ chức thực hiện kiến nghị kiểm toán để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn mong rằng những nội dung mà KTNN Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị sẽ hỗ trợ, giúp ích cho KTNN Lào thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhân dân Lào giao phó.
Bình luận