Hiện nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, trong đó có nhiều nước đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới. Điều này thể hiện cam kết của Việt Nam về tự do hóa thương mại, cạnh tranh công bằng và hướng tới phát triển bền vững. Việc khai thác hiệu quả các FTA là con đường quan trọng để duy trì tăng trưởng và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA Index) của các địa phương năm 2024 được công bố ngày 08/4/2025 cho thấy địa phương nào hiểu về FTA và đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thì doanh nghiệp ở đó tận dụng khá tốt các các cơ hội thị trường có FTA để xuất khẩu, cho giá trị kinh tế cao.
Nghe tại đây:
Chia sẻ khi được vinh danh là địa phương đứng đầu toàn quốc về chỉ số FTA Index năm 2024 , ông Phạm Thành Ngại - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, là một tỉnh nơi địa đầu cực Nam của Tổ quốc, với lợi thế có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển trên 254km, có ngư trường rộng lớn khoảng 80 nghìn km2, hệ sinh thái đa dạng, nguồn lợi thuỷ sản phong phú, thuận lợi cho nuôi trồng, khai thác và giao lưu kinh tế. Hiện nay tỉnh có 41 nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu với công suất chế biến đạt hơn 200 nghìn tấn/năm, xuất khẩu đi hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,2 tỷ USD chủ yếu là con tôm. Vì thế, địa phương luôn xác định việc tận dụng tốt các cơ hội thị trường từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết sẽ đem lại lợi ích cho doanh nghiệp trong xuất khẩu và hạn chế rủi ro cho địa phương trong cả công tác thu hút đầu tư. Ông Phạm Thành Ngại - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết cụ thể về công tác triển khai thực hiện các FTA tại địa phương: "Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo ngay khi Chính phủ ban hành các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Hằng năm tỉnh đều tổ chức 2-3 cuộc hội nghị chuyên đề về hội nhập quốc tế để chủ động cập nhật thông tin về các FTA; giúp các doanh nghiệp chủ động đề ra kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Song song đó là triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, từ tư vấn sử dụng máy móc, thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào sản xuất… đến hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là khi tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận các nguồn lực khác… Đổi mới công tác xúc tiến thương mại, nhất là cách hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tính chủ động và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các nhà nhập khẩu" - ông Phạm Thành Ngại nhấn mạnh.

Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi của các hiệp định thương mại tự do (FTA) tại các địa phương (FTA index) được Chính phủ giao cho Bộ Công Thương triển khai với mục tiêu nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi của các hiệp định thương mại tự do. Mặc dù đã đạt được những kết quả hết sức tích cực sau khi các FTA có hiệu lực, song, tiềm năng, dư địa để tận dụng các FTA còn rất lớn. Có thể kể đến các thị trường trong khu vực Liên minh châu Âu (EU) mà Việt Nam có hiệp định EVFTA, hay thị trường Vương Quốc Anh, thị trường có hiệp định CPTPP như Canada, Mexico…, hay các thị trường trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… vẫn còn dư địa rất nhiều cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. "Bộ chỉ số FTA-Index một mặt là giúp tạo động lực rất lớn cho toàn bộ các địa phương, các tỉnh thành vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để giúp cho các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội hiệu quả hơn từ các FTA. Và từ đó nó giúp chúng ta đa dạng hóa thị trường, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Việc đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường sẽ giúp cho doanh nghiệp của chúng ta có thể vượt qua được những khó khăn và vẫn có thể đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của Chính phủ đề ra" - ông Ngô Chung Khanh nói.
Đại diện cho các doanh nghiệp tận dụng khá tốt các FTA trong hoạt động xuất khẩu thời gian qua, bà Lê Hằng - Phó TTK Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho rằng: "Bộ chỉ số này tôi cho rằng là một công cụ rất hữu ích cho doanh nghiệp thủy sản nói riêng, kể cả cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Bởi vì đó là cái mà để doanh nghiệp được nhìn nhận lại những cái mà mình đã triển khai, đã áp dụng được, mức độ tận dụng tối đa các ưu đãi của FTA và qua đó cũng thêm những định hướng cho doanh nghiệp trong tương lai, để nhìn nhận và tiếp tục sử dụng hiệu quả hơn, đặc biệt là những thông tin có tính truyền thông cũng như là đào tạo, hướng dẫn thêm cho doanh nghiệp để tận dụng vào các cái truy xuất nguồn gốc, quy tắc xuất xứ và tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định".

Việt Nam - một quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập nhưng lại ký nhiều FTA nhất, trong đó có những FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao. Điều này thể hiện sự chủ động của Đảng và nhà nước ta trong cam kết hội nhập sâu rộng gắn với phát triển bền vững. Song, để tận dụng hiệu quả các FTA lại phụ thuộc vào sự nỗ lực của doanh nghiệp, và vai trò quan trọng của địa phương. Đánh giá cao nhiều doanh nghiệp, địa phương trong việc chủ động, coi trọng FTA là một kênh để hội nhập, mở rộng, đi sâu vào các thị trường để xuất khẩu hàng hoá. Trên cơ sở của Bộ chỉ số “đo lường” sự hiểu biết của địa phương - FTA Index, ông Trịnh Minh Anh - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Bộ Công Thương khuyến nghị: "Theo tôi chính quyền địa phương thì là nơi mà các doanh nghiệp đóng quân, do đó chính quyền địa phương cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Tôi biết hiện nay cái khó khăn chưa chắc đã phải do các thị trường gây ra mà các khó khăn có thể do chính những thủ tục hành chính chính, chính từ việc chưa tạo điều kiện hết cho doanh nghiệp. Tôi mong rằng lãnh đạo các địa phương, đặc biệt các sở, ban, ngành có liên quan đến doanh nghiệp tạo điều kiện tối đa doanh nghiệp, không những chỉ về đầu tư, không chỉ là vấn đề là xuất khẩu hay sản xuất… mà vấn đề là làm sao cho thủ tục hành chính đơn giản nhất, thuận tiện nhất, để làm sao doanh nghiệp ít mất thời gian, để những chi phí không chính thức ít nhất, thì đấy chính là sự hỗ trợ từ địa phương, rất quan trọng".
Theo ông Nguyễn Minh Khôi, chuyên gia tư vấn chính sách tại Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI), Việt Nam đang đứng ở mức “khá” trong việc tận dụng các FTA (khoảng trên 30%), nhưng vẫn thấp hơn nhiều nước trên thế giới, ngay cả các nước trong khu vực như Thái Lan (trên 40%) hay các nước OECD (trên 50%), cho thấy việc tận dụng các ưu đãi C/O của các hiệp định FTA vẫn còn nhiều không gian để phát triển. Đáng kể là mức độ tận dụng ở các địa phương trong nước cũng khá khác biệt, trong khi nhiều địa phương tận dụng khá tốt thì nhiều địa phương còn ở phía sau, cần những giải pháp để khắc phục, thúc đẩy các địa phương tận dụng tốt hơn các cơ hội FTA mang lại: "Việc phối hợp là yếu tố quan trọng nhất, phối hợp giữa Bộ và các cơ quan, địa phương, phối hợp giữa các cơ quan, địa phương và các doanh nghiệp. Và thứ ba, đó là phối hợp giữa các địa phương với nhau. Bởi vì Bộ chỉ số này một mặt nó đánh giá sự hỗ trợ của các địa phương, nó là một sự cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương với nhau, nhưng mặt khác chúng ta phải thừa nhận là thực tế về các ngành xuất khẩu nó không chỉ liên quan đến một doanh nghiệp, nó liên quan đến chuỗi doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm với nhau để thúc đẩy các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài thì các doanh nghiệp rất hiếm khi họ chỉ liên quan đến chuỗi giá trị ở một địa phương mà ở nhiều địa phương với nhau, nên việc phối hợp giữa các địa phương với nhau cũng rất quan trọng".

Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương Ngô Chung Khanh cho rằng, để tận dụng cơ hội từ các FTA mang lại, các địa phương cần triển khai tốt các Kế hoạch thực thi mà địa phương đã ban hành, bởi các Kế hoạch này đã bám sát Kế hoạch thực thi của Chính phủ, với các cấu phần rất quan trọng, từ tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ xây dựng pháp luật cho đến các nội dung liên quan đến các biện pháp, chính sách phát triển bền vững - tức là đủ để địa phương triển khai các hoạt động thiết thực để giúp doanh nghiệp. "Tôi nghĩ rằng đầu tiên, trước mắt địa phương phải bám sát vào Kế hoạch thực thi, sau đó là phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai chi tiết đối với từng hiệp định. Ví dụ như chúng ta đang muốn tập trung vào thị trường EU thì chúng ta đầu tiên phải xác định được là EU sẽ chiếm bao nhiêu % trong tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương, và cần phải làm những gì (từ phía tỉnh, thành cần làm những gì, bộ, ngành cần hỗ trợ gì)… tức là mỗi thị trường chúng ta cần có mục tiêu rõ ràng, kế hoạch cụ thể và có những biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Những gì mà địa phương hỗ trợ được thì địa phương làm, những gì bộ, ngành hỗ trợ được thì bộ, ngành sẽ hỗ trợ. Có như thế thì chúng tôi cho rằng hiệu quả của Bộ chỉ số FTA Index mới đi vào đời sống" - ông Ngô Chung Khanh quả quyết.
BOX: Sự ra đời của FTA Index đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình thực thi các FTA mà Việt Nam là thành viên. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đưa ra một cơ chế cung cấp, đánh giá toàn diện và có hệ thống về việc thực thi các FTA với mục tiêu mang lại những thông tin quý giá không chỉ cho các cơ quan quản lý nhà nước mà còn là một kênh tham khảo quan trọng cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài (FDI), các hiệp hội ngành hàng trong việc nghiên cứu và lên kế hoạch đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
PV Nguyên Long
Bình luận