# Vị trí cột 140 trong Dự án đường dây 500 Kv thuộc khu vực thôn Nà Khà, xã Lục Yên là địa điểm có địa hình núi cao trơn trượt thi công khó khăn nhất trên tuyến. Để đảm bảo đúng tiến độ, Quân khu 2 đã điều động hàng trăm cán bộ chiến sỹ tới vị trí móng cột khó khăn hỗ trợ cho đơn vị thi công, Thượng úy Đỗ Đức Anh, Phó Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, Quân khu 2, cho biết:
Ở vị trí này khó khăn nhất là đường đi, bộ đội hành quân đến chỗ làm khoảng 1,8 km rất vất vả. Điều kiện thời tiết ở vị trí này một số ngày vừa rồi mưa rất to, máy móc không vào được, cơ bản bộ đội phải dùng cuốc xẻng nạo vét bùn để đưa máy móc vào.
Trước những khó khăn của các lực lượng thi công Đường dây 500 Kv, nhiều người dân địa phương bằng nhiều hình thức cũng đã chung tay hỗ trợ, chia sẻ. Là người hỗ trợ cho đơn vị thi công và bộ đội ăn nghỉ tại nhà mình, ông Nguyễn Quang Ngồi, ở thôn Nà Khà, xã Lục Yên, tỉnh Lào Cai, chia sẻ đơn giản như thế này:
Cũng chỉ giúp cho bộ đội ở nhà thôi, công trình của Nhà nước thì các chú bộ đội, các cháu về thì cũng cố gắng tạo mọi điều kiện giúp thôi.
Theo báo cáo từ Ban Quản lý Dự án đường dây 500Kv Lào Cai- Vĩnh Yên, tính đến ngày 3/7/2025, dự án đã hoàn thành đào móng tại 259/273 vị trí (đạt gần 95%), đúc móng 243 vị trí (đạt 89%), dựng cột 90 vị trí (đạt gần 33%) và mới kéo dây được 1/132 khoảng néo (chưa đến 1%). Là đơn vị thi công gói thầu số 2, với 47 vị trí móng, đến thời điểm này Công ty TNHH một thành viên Xây lắp điện 4 cơ bản đã làm xong phần móng, phần dựng cột thi công được trên 50%. Về khó khăn trong triển khai thi công, ông Bùi Quang Cảnh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xây lắp điện 4, cho biết:
Có câu “ Nắng Lào Cai, mưa dài Yên Bái” thì chúng ta thi công trọng điểm vào đúng mùa mưa. Đặc biệt tháng 5-6 vừa rồi lượng mưa gấp 3 lần năm ngoái dẫn đến các đơn vị thi công của 10 gói đường dây và 1 gói trạm bị ảnh hưởng. Khi mưa xuống thì khó khăn nhất là vận chuyển vật tư lên vị trí.
Ông Triệu Quốc Trượng, cán bộ kỹ thuật Ban điều hành Dự án đường dây 500kv Lào Cai- Vĩnh Yên, cũng chia sẻ:
Giai đoạn khó khăn nhất là thi công móng, nhiều vị trí không thi công được bằng bê tông thương phẩm, phải dùng bê tông thủ công vật tư vật liệu vận chuyển hoàn toàn thủ công. Giai đoạn bây giờ phần lớn dự án chuyển sang dựng cột. Khó khăn nhất là vận chuyển cột từ vị trí tập kết lên vị trí móng. Chỉ cần mưa nhỏ thôi thì công nhân leo cột cũng rất khó khăn, phải đảm bảo công tác an toàn.
Cùng với những yếu tố khách quan ảnh hưởng đến tiến độ dự án là thời tiết, hiện nay tại một số vị trí trên hành lang tuyến 500 Kv vẫn còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Với tinh thần “tiến công”, “không bàn lùi, chỉ bàn làm”, “vừa chạy vừa xếp hàng”, linh hoạt trong xử lý các công việc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trần Duy Đông đề nghị các sở, ngành, đơn vị quyết liệt triển khai báo cáo lãnh đạo tỉnh 2 ngày 1 lần để có hướng giải quyết dứt điểm. Ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, cho biết:
Việc triển khai dự án cũng qua thời điểm chúng ta thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp. Trước đó cấp huyện đã chỉ đạo bồi thường tái định cư, sau này mô hình cấp xã triển khai thay. Đến thời điểm này cơ bản cán bộ công chức viên chức xã mới cũng nắm được tình hình. Với sự chỉ đạo của tỉnh và quyết liệt, quyết tâm sẽ đảm bảo được tiến độ dự án đề ra.
Dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, đại diện là Ban Quản lý Dự án Điện 1. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, có tổng chiều dài gần 230km đi qua địa bàn hai tỉnh Lào Cai và Phú Thọ. Dự án chính thức khởi công ngày 30/3/2025 và phải hoàn thành, đóng điện trước ngày 19/8/2025 theo chỉ đạo tại Công điện số 81/CĐ-TTg ngày 03/6/2025 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Bùi Phương Nam, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Điện 1, Tập đoàn điện lực Việt Nam, cho biết:
Hiện nay tất cả các đơn vị tham gia vào dự án rất quyết tâm thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng, tuy nhiên trong quá trình thi công không tránh được rủi ro về thời tiết. Gặp nắng thì vừa về đến đích, còn gặp mưa thì lại phải có giải pháp như thế nào đấy. Tất cả các khâu gần như đã quá khít rồi, nếu chỉ lệch một chút thôi cũng khó khẳng định được vì thời gian còn ngắn quá.
Với áp lực tiến độ và yêu cầu kỹ thuật cao, để dự án có thể hoàn thành đóng điện theo đúng kế hoạch, đây không chỉ là trách nhiệm của ngành điện, mà còn là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống chính quyền địa phương.
Bình luận