Báo cáo của Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại cuộc họp rà soát, hoàn thiện dự thảo “Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030” do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức sáng nay (5/7) cho thấy, tính trung bình cả năm 2024, tại Hà Nội có tới 47 ngày chất lượng không khí ở mức "xấu". Số ngày có chất lượng không khí tốt chỉ chiếm khoảng 22% tổng số ngày trong năm. Từ tháng 10 đến tháng 12/2024, tại Hà Nội và một số tỉnh thuộc Đồng bằng Bắc Bộ đã xảy ra 04 đợt ô nhiễm không khí kéo dài, trong đó đợt ô nhiễm không khí từ 16/12 đến 31/12 có mức độ ô nhiễm cao nhất.

Trong các đợt ô nhiễm nghiêm trọng, có những ngày, chỉ số AQI lên cao nhất tới mức 246 tương ứng với mức chất lượng môi trường không khí ở mức “rất xấu”, có nguy cơ ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người dân và cộng đồng. Trong các chỉ số ô nhiễm không khí, hàm lượng bụi mịn (PM2.5) là chỉ số đáng lo ngại nhất. Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Môi trường cho biết, ô nhiễm không khí là chỉ là vấn đề đã tồn tại của Hà Nội mà là chung tại các đô thị lớn của nước ta, trọng tâm là 02 khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc (xung quanh “vùng thủ đô” Hà Nội) và phía Nam (xung quanh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh).

Đa số ý kiến tại cuộc họp đều cho rằng, hoạt động giao thông vận tải là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở các khu đô thị. Theo số liệu kiểm kê phát thải PM2.5 tại khu vực Hà Nội từ khí thải phương tiện giao thông vận tải chiếm khoảng 15%, từ bụi đường khoảng 23%.

Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương, công tác kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất lượng môi trường không khí đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Các nguồn ô nhiễm công nghiệp được thống kê và kiểm soát. Hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải đối với các phương tiện giao thông để từng bước đưa vào lộ trình thực hiện, nhằm giảm dần mức độ phát thải. Thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết “vùng phát thải thấp” để triển khai thực hiện cũng như đề xuất các giải pháp quản lý như giới hạn niên hạn sử dụng xe máy, thu đổi xe máy cũ, chuyển đổi từ xe xăng sang xe sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện. Ông Đại lấy ví dụ trong ngành giao thông, hiện Hà Nội hiện có hơn 8 triệu phương tiện giao thông. Nếu chỉ bằng mệnh lệnh từ nay đến năm 2030 tất cả sử dụng xe điện hoặc không thì cũng phải sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu sạch. Nếu chỉ bằng mệnh lệnh, giải pháp cấm thì không được. “Dứt khoát đến thời điểm này chúng ta muốn có môi trường sạch chúng ta phải đầu tư. Muốn đầu tư như vậy thì chúng ta phải có hỗ trợ. Tuy nhiên, cái này trong hoàn thiện thể chế, chính sách thì tôi chưa thấy đề cập đến nội dung này” ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị, đặc biệt là tại 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Môi trường được Chính phủ giao xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025–2030” với mục tiêu cấp bách sớm ngăn chặn được tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn hiện nay, đặc biệt là thành phố Hà Nội và mục tiêu lâu dài là từng bước nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý chất lượng không khí trên phạm vi cả nước, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và xây dựng nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, 100% phương tiện tham gia giao thông (bao gồm xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy) tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được quản lý, kiểm soát về khí thải và từng bước chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, cần phải có lộ trình rõ ràng để thực hiện kiểm soát ô nhiễm không khí. Bây giờ chúng ta đang đặt mục tiêu đến năm 2030 nhưng mục tiêu xuyên suốt và cuối cùng là chúng ta kiểm soát, xử lý phải đưa về đạt chuẩn. Chúng ta phải đưa ra những giải pháp để chúng ta tiết kiệm hơn và thời gian chúng ta rút ngắn hơn. Ví dụ, bây giờ chúng ta đặt mục tiêu đến năm 2035 đạt chuẩn được không? Chứ bây giờ chúng ta đưa ra vẫn là chỉ tiêu đến năm 2030 nhưng không nói đến năm 2035 tức là vẫn nửa vời, vẫn chưa về đến tận cùng cái mà chúng ta mong muốn.
Các đại biểu dự cuộc họp khẳng định quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế” của Đảng và Nhà nước rất rõ ràng và kiên định. Do vậy các Bộ, ngành, địa phương cần xác định nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên và tập trung nguồn lực giải quyết ô nhiễm môi trường không khí; quyết liệt triển khai các hành động, giải pháp, mô hình quản lý nhằm cải thiện chất lượng không khí theo nguyên tắc kiểm soát nguồn thải lớn, hạn chế nguồn thải phân tán, hướng tới mục tiêu kiểm soát được ô nhiễm không khí theo đúng các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia đã đưa ra.
Quang Huy
Bình luận