"Đầu ra của điện khí LNG không phải là thị trường bình dân"
VOV1 - "Điện khí LNG cần hướng đến các hộ tiêu thụ công nghiệp, các hộ tiêu thụ lớn - người ta mong muốn có một cam kết dài hạn. Khi có cam kết dài hạn thì họ mới có thể cam kết được bao tiêu về điện, bao tiêu về khí nhập khẩu..." - TS. Nguyễn Quốc Thập.

Chia sẻ tại Diễn đàn Dầu khí và Năng lượng thường niên 2025 với chủ đề “Chuyển dịch năng lượng: Tầm nhìn và Hành động” tổ chức hôm nay (28/7/2025), TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam dẫn chứng tình hình tăng trưởng phụ tải điện 6 tháng đầu năm 2025 chưa đến 3%, trong khi dự báo tăng trưởng “hai con số” đã cho thấy nhiều khó khăn trong hoạt động đầu tư vào sản xuất điện nói chung, điện khí LNG và điện gió ngoài khơi nói riêng - những nguồn điện thuộc diện chiến lược tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh).

Theo TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có rất nhiều Nghị định, Thông tư hướng dẫn để tháo gỡ cho các lĩnh vực năng lượng, chuyển dịch năng lượng, trong đó có điện khí LNG và điện gió ngoài khơi. Mặc dù vậy, cơ chế cho điện gió ngoài khơi “vẫn là một khoảng trống rất mênh mông”. Điện khí LNG cũng đã có rất nhiều điều chỉnh, tuy nhiên hầu hết các dự án vẫn đang “giậm chân tại chỗ”. Khó khăn không phải chỉ từ phía nhà đầu tư mà cần có sự đột phá từ cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành.

TS Nguyễn Quốc Thập cho rằng: "Thị trường đầu ra của điện khí LNG không phải là thị trường bình dân. Chúng ta không hướng đến thị trường bình dân, mà điện khí LNG chúng ta hướng đến đấy là các hộ tiêu thụ công nghiệp, các hộ tiêu thụ lớn người ta mong muốn có một cam kết dài hạn. Và người ta mong muốn có cam kết dài hạn thì chỉ họ mới có thể cam kết được bao tiêu về điện, bao tiêu về khí nhập khẩu - thì đấy là bài toán - nếu chúng ta tiếp cận theo hướng đấy thì nó tháo gỡ được cho rất nhiều cho chính Chính phủ, các bộ, ngành và EVN hiện nay. EVN làm sao mà đi cam kết bao tiêu được, Bộ Công Thương hay Bộ Tài chính hay Chính phủ làm sao chúng ta đi cam kết bao tiêu dài hạn được mà phải để cho doanh nghiệp họ tự quyết định việc đó. Chính phủ quan tâm đến việc thuế có thu  đúng hay không, có thu đủ hay không, cơ chế thuế đủ để khuyến khích hay chưa, thì lúc bấy giờ dùng công cụ thuế để điều phối, còn lại cam kết hay không cam kết chúng ta để cho doanh nghiệp"./.

PV Nguyên Long

        

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận