Cần tháo gỡ điểm nghẽn thể chế để thu hút nguồn vốn lớn cho chuyển dịch năng lượng
VOV1 - Cần có cơ chế đủ mạnh để thu hút khối tư nhân đầu tư vào các dự án chuyển dịch năng lượng, trong đó có cơ chế đối tác công tư. Hiện tổng nguồn vốn cho chuyển đổi xanh từ hệ thống ngân hàng chỉ chiếm con số rất thấp (khoảng 4,36%), nên cần có định chế đặc biệt để khuyến khích đầu tư tư nhân.

Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh đã đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng với quy mô đầu tư khoảng 135 tỷ USD vào ngành điện trong giai đoạn 2021 - 2030. Con số này chiếm tới hơn 30% GDP của Việt Nam ở thời điểm hiện tại, thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng điện gắn với chuyển dịch theo hướng xanh. Tại diễn đàn Dầu khí và Năng lượng thường niên 2025 với chủ đề “Chuyển dịch năng lượng: Tầm nhìn và hành động”, các diễn giả cho rằng để thu hút nguồn vốn lớn cho chuyển dịch năng lượng cần tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, trong đó có hành lang pháp lý cho điện khí LNG và điện gió ngoài khơi.

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long khẳng định, chuyển dịch năng lượng không còn là lựa chọn mà là tất yếu của phát triển bền vững, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt và áp lực cắt giảm phát thải ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 - một mục tiêu đầy tham vọng nhưng cần thiết để hội nhập quốc tế và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh) xác định rõ định hướng chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, tăng tỷ trọng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), hydrogen và từng bước giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), nhu cầu tài chính cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam có thể lên tới hơn 135 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2030, trong đó khoảng 75% cần đến từ khu vực tư nhân. Đây là thách thức không nhỏ trong bối cảnh khung thể chế đầu tư - tài chính cho năng lượng xanh còn nhiều vướng mắc, từ quy trình phê duyệt dự án, cấp bảo lãnh đến cơ chế giá, chia sẻ rủi ro...

Đặc biệt, việc thu hút nguồn vốn dài hạn, xanh và bền vững vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu - PGS. TS Ngô Trí Long nhấn mạnh, và kiến nghị: "Cần phải tăng cường hợp tác quốc tế. Cần phải tăng cường hợp tác quốc tế. Đây là động lực huy động nguồn vốn, nguồn lực và trí thức toàn cầu. Đây là đầu mối giúp Việt Nam tiếp cận với nguồn vốn xanh, công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản trị bởi nguồn lực trong nước thì không đủ đáp ứng. Chính sách trọng tâm thì thứ nhất là chúng ta Luật hóa và nội luật hóa các chuẩn mực quốc tế; Ban hành Luật Tài chính xanh với các điều khoản cụ thể về công nhận tiêu chuẩn phát hành trái phiếu xanh, báo cáo ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị), đo lường carbon và tiêu chuẩn thẩm định dự án xanh; Nội luật hóa các cam kết tại COP26 - JETP (Just Energy Transition Partnership) nhằm bảo đảm tính ràng buộc và hiệu lực triển khai các gói tài chính hỗn hợp từ đối tác G7; Tham gia Liên minh tài chính xanh… Trong hợp tác quốc tế thì theo quan điểm của cá nhân tôi thì đây là chìa khóa chiến lược để Việt Nam vượt giới hạn nội tại và hội nhập sâu rộng vào tài chính, công nghệ xanh toàn cầu".

Theo TS. Nguyễn Hữu Lương (Viện Dầu khí Việt Nam), ngành công nghiệp năng lượng nói chung và lĩnh vực dầu khí nói riêng đang đối mặt với xu hướng chuyển dịch năng lượng nhằm giảm phát thải carbon từ các hoạt động, hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Để vượt qua những thách thức đặt ra trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng, Petrovietnam cần thiết lập lộ trình với các mục tiêu và kế hoạch cụ thể để thực hiện các nhóm giải pháp chuyển dịch năng lượng trên cơ sở kết hợp 3 nhóm giải pháp lớn, đó là: Nhóm giải pháp góp phần giảm thiểu phát thải carbon từ các hoạt động dầu khí nhằm hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; nhóm giải pháp phát triển mở rộng chuỗi giá trị hoạt động phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng và bảo đảm phát triển bền vững; và nhóm giải pháp “chuyển dịch công bằng” nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động, đồng thời, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng diễn ra thuận lợi và hiệu quả.

Cụ thể về nguồn vốn cho chuyển dịch xanh, TS. Nguyễn Hữu Lương (Viện dầu khí Việt Nam) cho rằng: "Trong nước thì PetroVietnam cũng là một trong những tập đoàn có được nguồn vốn theo tôi đánh giá là tương đối mạnh. Tuy nhiên, để thực hiện chuyển dịch năng lượng thì chuyển dịch năng lượng mang tính toàn cầu thì như vậy một mặt (vì chúng ta là một tập đoàn quốc gia, tức là cơ quan của nhà nước) thì như vậy chúng ta cần có những chính sách mới mà chúng ta có thể chủ động kịp thời đầu tư những hướng chuyển dịch năng lượng hơn. Và bên cạnh đấy, chúng ta sẽ tranh thủ những nguồn vốn từ những quỹ phát triển xanh với bên ngoài, rồi chúng ta kết hợp với những đối tác mang tính chiến lược mà họ đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng, trong đó bao gồm cả tài chính và khoa học công nghệ".

Dẫn chứng tình hình tăng trưởng điện 6 tháng đầu năm 2025 chưa đến 3% so với cùng kỳ năm 2024, trong khi dự báo tăng trưởng “hai con số”, TS Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam thông tin: nhiều dự án điện khí đã hoàn thành chờ lên lưới nhưng nhu cầu huy động thấp đã cho thấy nhiều khó khăn trong hoạt động đầu tư vào sản xuất điện nói chung, điện khí LNG và điện gió ngoài khơi nói riêng - những nguồn điện thuộc diện chiến lược tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh).

Theo TS Nguyễn Quốc Thập, thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã có rất nhiều Nghị định, Thông tư hướng dẫn để tháo gỡ cho các lĩnh vực năng lượng, chuyển dịch năng lượng, trong đó có điện khí LNG và điện gió ngoài khơi. Mặc dù vậy, cơ chế cho điện gió ngoài khơi “vẫn là một khoảng trống rất mênh mông”. Điện khí LNG cũng đã có rất nhiều điều chỉnh, tuy nhiên hầu hết các dự án vẫn đang “giậm chân tại chỗ”. Khó khăn không phải chỉ từ phía nhà đầu tư mà cần có sự đột phá từ cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành. TS Nguyễn Quốc Thập cho rằng: "Thị trường đầu ra của điện khí LNG không phải là thị trường bình dân. Chúng ta không hướng đến thị trường bình dân, mà điện khí LNG chúng ta hướng đến đấy là các hộ tiêu thụ công nghiệp, các hộ tiêu thụ lớn người ta mong muốn có một cam kết dài hạn. Và người ta mong muốn có cam kết dài hạn thì chỉ họ mới có thể cam kết được bao tiêu về điện, bao tiêu về khí nhập khẩu - thì đấy là bài toán - nếu chúng ta tiếp cận theo hướng đấy thì nó tháo gỡ được cho rất nhiều cho chính Chính phủ, các bộ, ngành và EVN hiện nay. EVN làm sao mà đi cam kết bao tiêu được, Bộ Công Thương hay Bộ Tài chính hay Chính phủ làm sao chúng ta đi cam kết bao tiêu dài hạn được mà phải để cho doanh nghiệp họ tự quyết định việc đó. Chính phủ quan tâm đến việc thuế có thu  đúng hay không, có thu đủ hay không, cơ chế thuế đủ để khuyến khích hay chưa, thì lúc bấy giờ dùng công cụ thuế để điều phối, còn lại cam kết hay không cam kết chúng ta để cho doanh nghiệp".

Phó Trưởng ban Ban Chính sách, chiến lược Trung ương Nguyễn Đức Hiển đánh giá cao góp ý của các chuyên gia, diễn giả tại Diễn đàn về việc cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để thực hiện lộ trình chuyển dịch xanh ở Việt Nam. Để “bộ ba bất khả thi” hiện nay (nghĩa là phải có đủ nguồn điện vừa xanh, vừa sạch lại vừa rẻ) trở nên khả thi, nghĩa là đảm bảo an ninh năng lượng điện xanh, sạch và có giá phù hợp với khả năng chi trả của doanh nghiệp và người tiêu dùng, Phó Trưởng ban Ban Chính sách, chiến lược Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng:"Phải cải cách thị trường năng lượng, giá điện thế nào, cơ chế điều phối thế nào. Chúng ta tách Ao (Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia) ra một bước, nhưng mà phải tiếp tục làm các định hướng lớn trong Kết luận 76 đã nêu (Kết luận số 76-KL/TW về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và một số định hướng cho giai đoạn mới) thì mới giải quyết được phân định thị trường ở các cấp từ bán buôn đến thị trường bán lẻ điện. Tôi nghĩ rằng đây là những câu chuyện phải thực sự có những chính sách để làm được".

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Ban Chính sách, chiến lược Trung ương cũng cho rằng, cần có cơ chế đủ mạnh để thu hút khối tư nhân đầu tư vào các dự án chuyển dịch năng lượng, trong đó có cơ chế đối tác công tư. Hiện tổng nguồn vốn cho chuyển đổi xanh từ hệ thống ngân hàng chỉ chiếm con số rất thấp, khoảng 4,36%, nên cần có định chế đặc biệt. “Nếu cứ tiếp cận thông thường như hiện nay sẽ rất khó, bởi vấn đề lợi ích là mấu chốt để thu hút khối tư nhân tham gia” - ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh!

PV Nguyên Long

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận