Chuyển đổi xe xăng sang xe điện – Cần một giải pháp tổng thể
VOV1 - Việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện là một chính sách đúng đắn nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, đây cũng là chủ trương có tác động sâu rộng đến cuộc sống của người dân Hà Nội nên cần phải có lộ trình, chính sách phù hợp.

Đây là ý kiến được đưa ra tại buổi tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi xe xăng sang xe điện: Để không ai bị bỏ lại phía sau” do báo Tiền Phong tổ chức sáng nay (21/7) tại Hà Nội.

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có 6,9 triệu xe máy và gần 1,5 triệu xe máy của các tỉnh khác thường xuyên hoạt động, trong đó 70% xe máy đang lưu hành là xe cũ. Kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu của các nhà khoa học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và các nhà khoa học của Anh quốc cho thấy, ô nhiễm không khí do phương tiện giao thông tại Hà Nội có sự phân hóa rõ rệt theo thời gian và loại hình phương tiện. Vào ban ngày xe máy là nguồn phát thải chủ yếu, ban đêm xe tải hạng nặng lại chiếm ưu thế. Đáng chú ý, xe máy - phương tiện phổ biến nhất, tiêu thụ nhiều năng lượng, phát thải trực tiếp qua ống xả mà không qua hệ thống xử lý khí thải, dẫn đến mức độ ô nhiễm cao hơn so với ô tô.

PGS.TS Hoàng Anh Lê, Trưởng Bộ môn Quản lý Môi trường, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, dựa trên bản đồ phát thải được xây dựng, khu vực vành đai 1 hiện có mật độ phát thải cao nhất do hệ thống giao thông dày đặc và nhiều điểm giao cắt. Trong khi đó, vành đai 2 và 3 dù có mức phát thải thấp hơn nhưng lại dễ khuếch tán ô nhiễm ra diện rộng do điều kiện không gian mở hơn.

Ngày 12/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20 về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị là giao UBND TP. Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong vành đai 1. Từ 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường vành đai 1, vành đai 2. Từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường vành đai 3.

Ông Phan Trường Thành, Trưởng Phòng Tài chính đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã giao cho Sở Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan chủ trì, tham mưu cho UBND thành phố xây dựng kế hoạch, tiến độ chi tiết triển khai tổng thể chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện. "Toàn bộ thành phố Hà Nội được giao tổng số 22 nhiệm vụ thì trong đó có 13 nhiệm vụ tổng quan cho tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước", ông Thành chia sẻ. 

Đa số ý kiến tại buổi tọa đàm đều cho rằng, việc thúc đẩy chuyển đổi xe xăng sang xe điện là một chủ trương nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí từ một trong những nguồn phát thải lớn nhất là phương tiện giao thông. Tuy nhiên, đây là một chủ trương có tác động rất sâu rộng đến người dân Thủ đô, trước mắt là những người sống và làm việc trong khu vực vành đai 1. Rất nhiều vấn đề được người dân quan tâm như chính sách hỗ trợ chuyển đổi như nào, hệ thống trạm sạc được xây dựng ra sao? giao thông công cộng được hoàn thiện như thế nào?…

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho rằng, cần phải có giải pháp tổng thể cũng như có 1 tổng công trình sư đề ra những khoản chi tiết dựa trên những kinh nghiệm, những bài học của nước ngoài. "Tôi nghĩ hoàn toàn có thể làm được" ông Tùng khẳng định.

Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để đáp ứng chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện,, thành phố cũng đã có kế hoạch xây dựng cũng như hoàn thiện hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch. Ngoài ra, thành phố cũng có kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng trong thời gian tới để đảm bảo thuận lợi nhất, kết nối tốt nhất cho người dân sử dụng dịch vụ.

Quang Huy

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận