TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, việc góp ý và phản biện chính sách đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã triển khai hiệu quả đề án truyền thông sau khi ban hành chính sách, đây là một hoạt động thiết thực giúp thông tin đến doanh nghiệp kịp thời. Đồng thời, Hiệp hội cũng đã chủ động phối hợp tổ chức nhiều tọa đàm, lắng nghe và tiếp thu ý kiến phản biện từ các chuyên gia, nhà khoa học, góp phần hoàn thiện các chủ trương, chính sách đã đề ra, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn:
Băng: Trong xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách, kể cả xây dựng pháp luật, thể chế các cơ chế chính sách và quá trình thực thi chính sách, tôi cho rằng cần phải có sự đổi mới sáng tạo từ tư duy. Như tinh thần của các Nghị quyết gần đây của Đảng, đó là chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo phát triển.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội lấy ví dụ, khi truyền thông về Nghị quyết số 68-NQ/TW và Nghị quyết 198/2025/QH15 về phát triển kinh tế tư nhân, các cơ quan báo chí cần có định hướng chuyên sâu về tinh thần của nghị quyết và giữ vai trò quan trọng trong việc phản biện xã hội. Nghị quyết để thành hiện thực, phải có sự vào cuộc của chính sách và tiếng nói phản biện xã hội. Do đó, báo chí cần chủ động đặt ra câu hỏi và giám sát:
Băng: Báo chí cần bám sát tinh thần nghị quyết, tập trung vào các điểm mới của Nghị quyết để đưa tin phản biện: Nghị quyết được cụ thể hoá; thực thi như thế nào, trọng tâm trọng điểm không nên dàn trải. Phản ánh tính hiệu quả, thách thức của việc thực thi chính sách. Báo chí hướng tới tìm giải pháp cụ thể. Thông tin là quan trọng nhưng phải có giải pháp. Đặt mình vào trường hợp đưa ra giải pháp thực thi thì dự kiến giải pháp đó là gì.
Song song với đó, chuyên gia cho rằng, đối với Hiệp hội, việc tập hợp các ý kiến, phát hiện và phản biện những bất cập trong thể chế từ cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố quan trọng. Chỉ có Hiệp hội- với vai trò đại diện cho nhiều doanh nghiệp, mới có thể giúp các cơ quan quản lý Nhà nước nhận diện chính xác những vướng mắc thực sự, tránh sa đà vào những vấn đề nhỏ lẻ để có điều chỉnh chính sách phù hợp. Nhìn nhận ở góc độ bộ ba: “hiệp hội – doanh nghiệp và báo chí” trong xây dựng và phản biện chính sách, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, phân tích:
Băng: Vai trò trong bộ 3 này rất quan trọng. Nhưng tôi cho rằng, nhà báo là người đưa tin quan trọng nhất. Chính sách của Quốc hội, của Chính phủ đưa ra thì doanh nghiệp thực hiện và phản hồi như thế nào thì vai trò báo chí rất quan trọng. Trong thực tế việc thông tin xây dựng và phản biện bằng văn bản rất ít. Do vậy, vai trò của báo chí trong xây dựng và phản biện chính sách, tạo sự đồng thuận rất quan trọng, có tính quyết định.
Đối với doanh nghiệp, cần phải hiểu rõ mình sẽ có nguy cơ lớn về đào thải nhưng đồng thời nhìn nhận rõ cơ hội bứt phá vươn lên trong dòng chảy chính sách. Từ góc độ này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ đánh giá, thực tế, năng lực phản biện chính sách của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Họ thường chỉ lên tiếng khi vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của mình, chứ không phải lúc nào cũng có đủ kiến thức chuyên sâu để đưa ra các phân tích sâu rộng. Vì vậy, tới đây, TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng: “Việc nghiên cứu và phản biện chính sách chính là vai trò của các hiệp hội ngành nghề. Bên cạnh đó, với tính chính danh đại diện cho tiếng nói chung của cộng đồng doanh nghiệp, việc vận động chính sách nên do các hiệp hội lên tiếng chứ không nên qua các doanh nghiệp để tránh xung đột lợi ích và đảm bảo tính khách quan”./.
Bình luận