Tại lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2025 do Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức chiều nay (21/4), các chuyên gia nhấn mạnh, chung tay thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST), tạo dựng văn hoá ĐMST trong toàn xã hội, nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST&CĐS), sẽ đem lại cơ hội để xây dựng, nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết những thách thức hiện tại và tương lai, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước bền vững và theo hướng hiện đại.
Theo số liệu thống kê, nền kinh tế số của Việt Nam hiện chiếm 18,3% GDP, tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Đông Nam Á. Gần như tất cả công dân đều được phủ sóng băng thông rộng, và 5G đang phát triển nhanh chóng.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chi cho khoa học công nghệ của các nước đang phát triển thấp, nên cần lấy đổi mới sáng tạo làm đòn bẩy. Nếu chỉ dựa vào khoa học công nghệ hàn lâm, các nước đang phát triển sẽ không theo kịp các nước phát triển.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Chính trị đã giao Bộ KH&CN viết đề án Quốc gia khởi nghiệp, nội dung chính là hình thành tinh thần ĐMST trong toàn dân, đưa ĐMST trở thành lối sống, phong cách sống của mọi người dân, mọi tổ chức. Xây dựng văn hoá ĐMST, khuyến khích khám phá, khoan dung thất bại.
“ĐMST không cần đầu tư các phòng lab, mà cần tư duy đổi mới và văn hoá đổi mới. Đây chính là con đường khả thi hơn cho các nước chưa đủ tiềm lực nghiên cứu sâu nhưng có năng lực tổ chức, thích nghi và sáng tạo xã hội. Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra, ĐMST là chìa khoá để các nước đang phát triển thoát bẫy thu nhập trung bình. ĐMST là cửa ngách mang tính chiến lược để các nước đang phát triển rút ngắn khoảng cách, tối ưu các nguồn lực hạn chế, và tạo ra giá trị thực tiễn từ những gì sẵn có để phát triển nhanh.”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh cả nước đang tập trung, quyết liệt triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST&CĐS quốc gia, để thúc đẩy ĐMST tại Việt Nam, các chuyên gia nhấn mạnh, Việt Nam cần tạo ra một hệ sinh thái ĐMST mà ở đó, doanh nghiệp có thể cải tiến sản phẩm phù hợp với thị trường trong nước, người dân có thể sáng tạo trong điều kiện thực tế của mình, nhà nước hỗ trợ môi trường, thể chế và động lực để đổi mới sáng tạo không bị cản trở, mà được khơi thông và lan toả.
Bà Pauline Tamesis- Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam chia sẻ: “Với Nghị quyết 57, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đã được coi là ưu tiên chiến lược hàng đầu của Việt Nam trên con đường đạt được thu nhập cao vào năm 2045. Đây là một tín hiệu mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi cam kết dành 3% ngân sách quốc gia cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cơ quan Liên Hợp Quốc hiện cũng đang hỗ trợ hành trình của Việt Nam, như cung cấp phân tích chuyên biệt và tư vấn về đạo đức trí tuệ nhân tạo AI và giúp củng cố các khung quản trị. Phát triển các dự án tích hợp AI vào các dịch vụ chính phủ trong khi đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Đầu tư vào giáo dục, đào tạo kỹ năng xanh và kỹ năng số và các con đường nghề nghiệp, và thúc đẩy sự bao gồm – đặc biệt là đối với phụ nữ, các dân tộc thiểu số và người khuyết tật.”
Năm nay, Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo có chủ đề: “Đổi mới sáng tạo-Nghĩ khác, Làm khác để tốt hơn”; “Đổi mới sáng tạo-Doanh nghiệp tiên phong-Quốc gia thịnh vượng”; “Đổi mới sáng tạo toàn dân-Chuyển đổi số toàn diện-Vì cuộc sống tốt đẹp hơn”, tiếp tục nhấn mạnh vai trò của sáng tạo và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng xã hội bền vững và thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của con người.
Bình luận