Đó là bởi hội nghị này vừa phản ánh nhu cầu tăng cường quan hệ song phương và mở rộng tiềm năng hợp tác giữa hai khu vực ở cấp chính trị cao nhất mà còn cho thấy những tính toán mới của Liên minh Châu Âu đối với Trung Á trong bối cảnh quan hệ với đồng minh Mỹ trục trặc.
Tuy là Hội nghị Thượng đỉnh EU-Trung Á lần thứ 3, nhưng việc lần đầu tiên cả Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa và EC Ursula von der Leyen cùng tham dự hội nghị đã cho thấy tầm quan trọng của sự kiện lần này. Và việc ngay trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định rằng “Quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và các nước Trung Á đang ở điểm khởi đầu của một kỷ nguyên mới”, là một ví dụ cho thấy điều đó.

Nếu như trước đây, Trung Á còn là một khái niệm xa xôi với châu Âu, thì nay mọi việc đã khác. Cuộc xung đột Nga-Ukraine và mối quan hệ đồng minh Mỹ-EU ngày càng trắc trở, đã buộc EU phải tính toán lại mọi việc và “định vị” lại khu vực Trung Á trong chính sách đối ngoại của mình.
Một dẫn chứng là quan hệ giữa EU và Trung Á đã từng bước được cải thiện trong những năm gần đây. Năm 2007, EU đã lần đầu tiên thông qua chiến lược về khu vực Trung Á và sau đó chiến lược này tiếp tục được cập nhật năm 2019. Đáng chú ý, chiến lược của EU nêu bật tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực và hướng đến thúc đẩy quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với các quốc gia Trung Á, biến Trung Á phát triển thành một không gian kinh tế và chính trị bền vững, thịnh vượng và có sự kết nối mật thiết với EU. Tuy vậy, sự quan tâm của EU trong việc phát triển quan hệ với các nước Trung Á chỉ thực sự được đẩy mạnh từ năm 2022, với hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Á đầu tiên diễn ra ngày 27/10 tại thủ đô Astana của Kazakhstan. Và nay là hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Á lần thứ 3 với những nhà lãnh đạo ở cấp cao nhất của cả 2 bên.
Thực tế cho thấy, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm thay đổi cách tiếp cận của EU với khu vực Trung Á bao gồm 6 quốc gia Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Khu vực này đã trở nên quan trọng hơn đối với EU trong việc khai thác tiềm năng về năng lượng và giao thông trong bối cảnh tuyến đường trung chuyển qua Ukraine tắc nghẽn do xung đột. Hơn nữa, mối quan hệ đồng minh Mỹ-EU luôn trong tình trạng căng thẳng dưới thời ông Donald Trump, khiến EU phải tìm kiếm những thị trường mới phi thuế quan. Chính vì vậy, nhờ ưu điểm về địa lý và tình hình chính trị ổn định, Trung Á đã nổi lên như một điểm đến mới đáp ứng các tiêu chí khắt khe của EU về chính trị và thương mại. Đây là lý do mà EU cam kết đầu tư 10 tỷ euro để phát triển Tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspi kết nối châu Á với châu Âu thông qua các nước Trung Á, được xem như công cụ địa chính trị củng cố vị thế của châu Âu tại khu vực.
Rõ ràng, chiến lược “bán đồng minh xa, mua láng giềng gần” mà châu Âu đang thực thi đang cho thấy nhiều hiệu quả. Một mặt nó giúp EU giảm bớt lo ngại về nguồn cung năng lượng và giao thông, mặt khác nó giúp EU có thêm những đồng minh mới từ Trung Á. Ngược lại, với sự giúp đỡ của EU, Trung Á được dự báo sẽ trở thành trung tâm mới của thương mại toàn cầu. Một một quan hệ vừa đem lại lợi ích cho cả hai bên vừa không hàm chứa rủi ro, thì đây sẽ là cơ hội tốt cho cả EU và Trung Á trong bối cảnh địa chính trị khó lường hiện nay.
Hồ Điệp/VOV1
Bình luận