Từ Mỹ sang châu Âu đến châu Á, những ngày qua, số ca mắc cúm tại một số quốc gia liên tục lập đỉnh, với tỷ lệ nhập viện tăng cao và nhiều trường học, cơ quan phải đóng cửa để hạn chế lây lan.
![Nhiều trường học ở Mỹ đóng cửa vì dịch cúm. Ảnh: Ayman Haykal](/sites/default/files/2025-02/truong_hoc_dong_cua.png)
Thành phố Cincinnati, miền tây nam bang Ohio, Mỹ trước đây chưa từng đóng cửa trường học vì dịch cúm. Nhưng năm nay điều này đã diễn ra. Giám đốc hệ thống giáo dục tư thục Edgewood tại Cincinnati đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ trường học trong một tuần. Trên khắp nước Mỹ, đã có hơn 24 triệu ca cúm trong mùa này, tăng 10% so với thời điểm này năm ngoái. Một số chuyên gia y tế như Tiến sĩ Bryant cho rằng tâm lý do dự tiêm vaccine phòng cúm có thể là nguyên nhân khiến dịch bệnh gia tăng đáng báo động. "Chúng ta thường tập trung vào cúm như một bệnh nhiễm virus đường hô hấp, nhưng một số phụ huynh không nhận ra rằng nó có thể gây co giật, thậm chí gây viêm não. Và các bác sĩ nhi khoa đang báo cáo các trường hợp như vậy trên khắp nước Mỹ", Tiến sỹ Bryant nhận định.
Tại Bỉ, số ca mắc bệnh cúm gia tăng đang khiến hệ thống y tế nước này rơi vào tình trạng báo động. Số lượt khám vì các triệu chứng giống cúm trong tuần đầu tháng 2 đã tăng gấp đôi so với đỉnh điểm của mùa cúm trước. Các chuyên gia y tế gọi đây là “đại dịch cúm tồi tệ nhất kể từ đại dịch COVID-19”.
Trong khi đó, một sự kiện gây chấn động dư luận gần đây là sự ra đi của nữ diễn viên Đài Loan (Trung Quốc) nổi tiếng Từ Hy Viên, 48 tuổi, khi đang đi nghỉ tại Nhật Bản. Từ Hy Viên mắc viêm phổi do biến chứng từ cúm và qua đời vào ngày 2.2. Trường hợp này đã dấy lên lo ngại về mức độ nguy hiểm khó lường của các biến chứng liên quan đến cúm, đặc biệt là đối với những người có bệnh lý nền. Diễn biến gia tăng số ca nhiễm ở mức báo động trong mùa cúm năm nay ở Nhật bản gây ra tình trạng quá tải và khan hiếm thuốc điều trị cúm tại các cơ sở y tế.
Bình luận