Hội chữ xuân Ất Tỵ : Không gian văn hoá hấp dẫn những ngày đầu xuân
VOV1 - Diễn ra từ nay đến ngày đến 09/02/2025, Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025 do Trung tâm Hoạt động văn hoá, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức tại khu vực Hồ Văn hứa hẹn là điểm tham quan hấp dẫn du khách trong và ngoài nước những ngày đầu xuân.

Năm nay, khu vực Hồ Văn được cải tạo, chỉnh trang toàn diện mang đến không gian thoáng đãng, an toàn, góp phần nâng cao trải nghiệm của du khách trong hành trình khám phá văn hóa nhân dịp đầu xuân năm mới. Thông tin về những điều khác biệt của Hội chữ xuân Ất Tỵ với những năm trước, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hoá, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: Công tác khảo tuyển cho Hội chữ Xuân năm nay, chúng tôi chọn lựa rất kỹ càng và thu hút sự tham gia của các nhà hoạt động tư pháp của cả ba miền Bắc Trung Nam. Chúng ta có thể thấy không gian hội chữ xuân năm nay, các hoạt động văn hóa đậm đặc, trong đó 3 cuộc triển lãm cùng lúc tại khu vực Hồ Văn. Triển lãm thư pháp có tên là “Thực học” mang giá trị truyền thống, bên cạnh đó là triển lãm vẽ con rắn của hơn 70 họa sĩ trẻ. Chúng ta cũng thấy một triển lãm ảnh di sản với tên “Việt Nam quê hương tôi", cùng với đó là các hoạt động trải nghiệm về di sản như vẽ tranh đông hồ, vẽ tranh Kim Hoàng cùng với không gian sách phục vụ công chúng. Đó là những điểm chúng ta thấy khác biệt so với những hội chữ xuân năm trước.”

  Trong khuôn khổ Hội chữ xuân Ấy Tỵ, Triển lãm thư pháp chủ đề “Thực học” thu hút du khách với hàng trăm bức thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ có kích thước lớn nhỏ khác nhau, đa dạng về thể thức trình bày cùng những phong cách riêng biệt được sắp đặt theo từng khu vực theo các mảng nội dung. Chia sẻ về ý tưởng thiết kế triển lãm thư pháp “Thực học”, Thư pháp gia Xuân Như Vũ Thanh Tùng - Chủ tịch hội đồng điều hành, giảng sư bộ môn Thư pháp của Nhân Mỹ Học Đường cho biết: Cuộc triển lãm này kết hợp giữa thư pháp Hán nôm và thư pháp quốc ngữ, đều dựa trên các cứ liệu là những bài thơ, bài văn của các bậc tiền nhân như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi hay đặc biệt của vua Lê Thánh Tông. Có một điều đặc biệt chính là sự sắp đặt những biểu tượng biểu trưng mang những ý nghĩa riêng biệt, để nói được một ý nghĩa nhất định. Triển lãm còn là sự kết hợp của ánh sáng và chữ. Khi chúng ta nhìn vào không gian triển lãm sẽ thấy tràn ngập chữ và ánh sáng, nguồn sáng soi rọi cho chúng ta thấy những lời dạy của các bậc tiền nhân, như một sự nhắc nhở thường xuyên chúng ta phải ghi nhớ và thực hành, để luôn luôn tâm niệm mình phải trở thành những bậc chân tài thực học có ích cho rường cột của quốc gia

  Đặc biệt, 18 cột chữ xung quanh không gian trưng bày được viết thư pháp chữ Hán với nội dung là bài “Khuyến học văn” (bài văn khuyến học) của Thuần Hoàng Đế Lê Thánh Tông - một tác gia lớn của nền văn học cổ trung đại Việt Nam đã thu hút du khách tham quan và tìm hiểu. Bên cạnh không gian triển lãm, người dân còn được cảm nhận không khí văn hoá truyền thống khi được giao lưu, trò chuyện và được các “ông đồ” cho chữ. Chị Thanh Huyền, Thanh Xuân, Hà Nội, Hoàng Phúc Đăng Khôi, học sinh và chị Maylin Anhold, du khách đến từ Đức cho biết: Không gian chữ thư pháp khá là cổ truyền, có sự bày trí khá độc đáo. Năm nay em xin chữ “thành” với mong muốn có thể thành công trong việc học tập.

    Cùng với hoạt động viết thư pháp, Trung tâm Hoạt động văn hoá, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức nhiều hoạt động văn hóa để phục vụ khách du xuân như: Không gian trải nghiệm di sản, không gian văn hóa đọc; giới thiệu làng nghề, sản phẩm thủ công truyền thống Hà Nội cùng chương trình nghệ thuật biểu diễn ca trù, quan họ, hát chèo, hát xẩm, chầu, múa lân sư rồng… ở cả không gian nội tự và Hồ Văn./.

(Thủy Tiên/VOV1)
 

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận