Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng”. Chi bộ có vai trò rất quan trọng, muốn thực hiện tốt đường lối của Đảng phải luôn quan tâm chăm lo củng cố Chi bộ.
Xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh là yêu cầu khách quan, có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, cần tập trung xây dựng đội ngũ đảng viên vững mạnh có đủ số lượng và chất lượng; giữ vững chế độ và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; xây dựng và phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ trì. Các chi bộ chú trọng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng gắn với thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Thực tiễn thời gian qua, các cấp ủy, chi bộ đã lãnh đạo, chấp hành nghiêm các nguyên tắc của Đảng. Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, phát huy tinh thần đoàn kết trong chi bộ; thực hiện nghiêm túc các chế độ sinh hoạt của chi bộ; đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát, đúng với tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Phát huy tốt vai trò đội ngũ cán bộ, gắn trách nhiệm cấp ủy viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhận xét, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; bình xét thi đua, khen thưởng.
Tuy nhiên, ý thức, trách nhiệm của một số đảng viên khi tham gia học tập, nghiên cứu nghị quyết của Đảng có thời điểm chưa cao; tính đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt của một số đảng viên có thời điểm còn hạn chế. Ở một số tổ chức đảng còn hiện tượng ngại va chạm, ngại phát biểu ý kiến trong sinh hoạt.

Hiện nay, trước yêu cầu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, để nâng cao chất lượng xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, vấn đề đầu tiên đặt ra hiện nay là cần tập trung xây dựng đội ngũ đảng viên bảo đảm đủ số lượng và chất lượng. Chi ủy, chi bộ chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, bảo đảm cho đảng viên có đủ phẩm chất và năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tăng cường quán triệt các Nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của cấp về công tác xây dựng Đảng như: Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới; Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm;... Chi bộ tập trung làm tốt công tác xây dựng đội ngũ đảng viên vững mạnh, phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị và năng lực của đảng viên trong chi bộ. Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, phát huy tinh thần trách nhiệm của đảng viên trong học tập, rèn luyện, hoàn thiện phẩm chất, năng lực cho bản thân. Lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhận xét, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên; bình xét thi đua, khen thưởng chặt chẽ, đánh giá đúng chất lượng của đội ngũ đảng viên trong chi bộ.
Cùng với đó, cần tăng cường xây dựng chi ủy, chi bộ bảo đảm đủ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Quan tâm xây dựng, củng cố chi ủy gắn với lựa chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực. Các cán bộ chủ chốt của chi bộ phải là những người mẫu mực về đoàn kết. Phải biết kết hợp và xử lý hài hòa giữa các lợi ích, đặt lợi ích tập thể, lợi ích chi bộ lên trên hết, có khả năng quy tụ tinh thần đoàn kết trong toàn chi bộ. Chi ủy phải thường xuyên khơi dậy, phát huy trách nhiệm của chi ủy viên trong nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi ủy, chi bộ. Chi ủy, chi bộ đẩy mạnh giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường giai cấp công nhân và trình độ trí tuệ, chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ đảng viên.

Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc nền nếp, chế độ sinh hoạt chi bộ và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương “về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”. Chi ủy, chi bộ thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp trong sinh hoạt của chi bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp, tác phong công tác của tập thể chi ủy, chi bộ và từng cán bộ, đảng viên; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chấp hành nghiêm chế độ sinh hoạt đảng, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung, dân chủ; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong cơ quan, đơn vị; nâng cao năng lực toàn diện, sức chiến đấu của cấp ủy, chi bộ, đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu “làm trước” của cấp ủy, bí thư, phó bí thư chi bộ; nâng cao chất lượng sinh hoạt tự phê bình và phê bình của chi bộ./.
Hồng Hải – Chí Thịnh
Bình luận