Tôn vinh và phát huy giá trị Hồ Chí Minh tại Trung Quốc
VOV1 - Với khoảng 12 năm sống và hoạt động ở Trung Quốc, nhân tố Hồ Chí Minh đóng vai trò đặc biệt quan trọng, bền vững và cốt lõi trong quan hệ Việt – Trung. Nhận thức rõ điều này, việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” luôn nhận được sự quan tâm.

Phát huy tư tưởng và giá trị Hồ Chí Minh

Từ nhiều năm nay, việc xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” đã được Đại sứ quán và các Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Trung Quốc dành nhiều sự quan tâm và tích cực thực hiện. Bên cạnh Ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ cuối năm 2016, bức tượng đồng “Bác Hồ làm việc trong vườn hoa Phủ Chủ tịch” đã được khánh thành trong khuôn viên Đại sứ quán – nơi từng vinh dự được đón Người đến thăm và nói chuyện.

Bên cạnh đó, một hệ thống di tích, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhiều địa phương ở Trung Quốc cũng đang được các cơ quan đại diện tập trung khai thác, nhằm phát huy hơn nữa những giá trị nhân văn, truyền thống quý báu của dân tộc kết tinh ở Người, cũng như củng cố tình hữu nghị, lan tỏa khát vọng hòa bình, hợp tác, phát triển của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trao đổi với phóng viên VOV tại Bắc Kinh, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Thanh Bình cho biết: “Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống, làm việc và để lại nhiều dấu ấn trên đất nước Trung Quốc. Những di tích gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Trung Quốc ngày nay vừa là minh chứng cho hành trình cách mạng ấy, vừa là hiện thân của tình hữu nghị Việt-Trung, thể hiện sự kính trọng, tưởng nhớ của người dân Trung Quốc đối với “người bạn lớn” Hồ Chí Minh, mang ý nghĩa sâu sắc với cả hai dân tộc.”

Vào năm 2022, khi chia sẻ với phóng viên VOV, ông Nguyễn Vinh Quang – Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, người từng có thời gian dài làm việc ở Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, cũng cho biết ở Trung Quốc có khoảng 70 di tích mang dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Con số này vẫn tiếp tục tăng lên trong những năm gần đây, trong đó khu di tích về Người ở Côn Minh (Vân Nam) được khánh thành hồi đầu năm 2023.

Không chỉ tăng về số lượng, Trung Quốc còn tu sửa, nâng cấp các di tích quan trọng hiện có. Trong đó, phải kể đến Di tích trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại nhà số 13 (nay là 248 – 250) đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Đây là địa danh gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Châu từ năm 1924 đến năm 1927.

Trước năm 2024, di tích này chỉ mở cửa cho khách Việt Nam theo lịch hẹn. Tuy nhiên, từ 26/3/2024, nơi đây đã chính thức mở cửa đón công chúng, nhằm giúp người dân, đặc biệt là người trẻ Trung Quốc hiểu hơn về lãnh tụ của Việt Nam, về tình hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước và những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Trung Quốc.

Hiện tại, ngoài phần di tích cũ trên tầng 3 ngôi nhà, khu trưng bày “Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Châu” rộng 240m2 đã được thiết kế ở tầng 1. 

Để khu di tích thêm phần sống động, chị Vương Quyên, giám tuyển khu trưng bày, cho biết nhiều yếu tố công nghệ đã được bố trí tại đây: “Để tái hiện tốt hơn quang cảnh nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và thanh niên Việt Nam sống và hoạt động vào thời điểm đó, ngoài trưng bày tĩnh thông thường, chúng tôi còn bổ sung thêm các hình thức như trình chiếu, hiệu ứng âm thanh, tiếng động để làm phong phú hơn khu trưng bày, giúp người xem có thêm nhiều trải nghiệm. Chẳng hạn, ở lớp học, chúng tôi đã sử dụng máy chiếu để hiển thị bài giảng bằng phấn viết, thể hiện nội dung tác phẩm Đường Kách mệnh. Một máy chiếu ẩn và máy chữ cũng được sử dụng trong phòng ngủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tái hiện tiếng đánh máy của Người bằng cách ghi lại âm thanh thật cùng thời.”

Không chỉ ở Quảng Châu, theo đánh giá của Đại sứ Phạm Thanh Bình, thời gian qua, chính phủ Trung Quốc đã rất coi trọng việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, công trình lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các địa phương như Quảng Châu, Trùng Khánh, Nam Ninh, Quý Dương, Liễu Châu, Long Châu, Tĩnh Tây, Côn Minh, Hồng Công… nơi Người đã từng đặt chân đến, đều có các khu tưởng niệm, bia lưu niệm, bảng chú dẫn lịch sử được xây dựng, cải tạo và bảo quản chu đáo, có mã QR dẫn đến thông tin giới thiệu trực tuyến đầy đủ, phong phú, góp phần tăng cường giáo dục truyền thống hữu nghị Việt-Trung cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Gần đây nhất, hai nước đã phối hợp tổ chức những hoạt động đầu tiên của thanh niên Việt Nam trên Hành trình đỏ, như Trại nghiên cứu, học tập “Theo dấu chân Bác Hồ” tại Quảng Tây, Quảng Đông, Trùng Khánh, sau khi lãnh đạo cấp cao hai nước dự Lễ khởi động “Hành trình đỏ nghiên cứu, học tập của thanh niên” trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 4/2025.

Đại sứ Phạm Thanh Bình cho biết thêm: “Các cơ quan hữu quan Việt Nam, thông qua Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc, đã phối hợp chặt chẽ với phía Trung Quốc trong việc nghiên cứu, xác minh tư liệu, hỗ trợ phục dựng không gian lưu niệm. Các hoạt động tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được tổ chức định kỳ với sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương, quần chúng nhân dân và cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Trung Quốc.”

Là cơ quan đại diện có trụ sở tại nơi gắn liền với di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu đã tận dụng cơ hội tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa tại đây. Gần đây nhất, ngày 19/6, cơ quan đại diện này đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) tại chính nơi ra đời của Báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, với sự tham gia của toàn thể cán bộ, đảng viên Tổng Lãnh sự quán, các Cơ quan Thương vụ, Khoa học Công nghệ và đại diện Chi bộ lưu học sinh tại Quảng Châu.

        Trước đó, nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Nguyễn Việt Dũng cũng đã gửi tặng Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Quảng Đông – nơi quản lý di tích Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên món quà có ý nghĩa đặc biệt của Tổng Bí thư Tô Lâm - tác phẩm điêu khắc ánh sáng “Việt Nam - những trang sử vàng”. Tác phẩm mang hàm nghĩa lịch sử Việt Nam là một pho sử bằng vàng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là người viết những trang sử vàng chói lọi trong lịch sử đương đại của dân tộc.

“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại Trung Quốc

Là một phần của “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, tượng Bác trong khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh kể từ khi khánh thành đến nay đã trở thành điểm đến “thiêng liêng, tự nhiên và tất yếu” của bất cứ đoàn đại biểu Việt Nam nào khi đến thăm Trung Quốc và có dịp vào Đại sứ quán.

Đúng như phát biểu của Đại sứ Đặng Minh Khôi tại lễ khánh thành khi đó, tượng đài Bác Hồ trong khuôn viên Đại sứ quán đã giúp người Việt Nam ở Trung Quốc cũng như người Trung Quốc, khách quốc tế có cơ hội được tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tượng đài Bác đã chứng kiến những nỗ lực không ngừng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc, bảo vệ lợi ích chính đáng của Việt Nam, giúp cho quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh, vì lợi ích của nhân dân hai nước cũng như hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.

Tuy nhiên, sau gần 20 năm, trước yêu cầu và nhiệm vụ xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc đang nỗ lực tìm tòi nhiều phương thức khác để làm phong phú thêm không gian này.

Đại sứ Phạm Thanh Bình cho rằng, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” ở nước ngoài có thể có rất nhiều cách thể hiện, từ đặt tượng đài, biển đồng, bia tưởng niệm, đến tưởng nhớ bằng cách đặt tên các địa danh, đường phố ở nước ngoài gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát hành và trưng bày các ấn phẩm, ảnh tư liệu, tổ chức các hội thảo, hội nghị, cũng như các hình thức biểu diễn văn hóa-nghệ thuật tôn vinh.

Đại sứ nhấn mạnh: “Không bó buộc trong những di sản hữu hình, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” còn là nơi tỏa sáng tư tưởng, đạo đức, phong cách, lối sống của Bác, được xây dựng hướng đến mục tiêu nuôi dưỡng, giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng, phẩm chất tốt đẹp trong mỗi con người, nhất là trong thế hệ trẻ.”

Tại Trung Quốc, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” còn có cơ hội tăng cường sự hiện diện, sức lan tỏa mạnh mẽ qua các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao và các cấp giữa hai Đảng, hai nước, cũng như các hoạt động giao lưu nhân văn sôi động giữa hai bên, từ đó đóng góp vào củng cố nền tảng xã hội trong quan hệ song phương theo định hướng “6 hơn”.

“Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc sẽ được tiếp tục gây dựng, củng cố từ những nền tảng quý là tượng đài Bác Hồ và khu tưởng niệm hiện nay nhằm thực hiện sáng tạo việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phát huy giá trị văn hóa Hồ Chí Minh của mỗi đảng viên, cán bộ, nhân viên ngoại giao và gia đình, cũng như trong cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại Trung Quốc, nhất là thế hệ trẻ. Với chúng tôi, có được một không gian văn hóa Hồ Chí Minh trang trọng như vậy trong khuôn viên cơ quan còn là niềm vinh dự, tự hào.” – Đại sứ khẳng định.

Xác định tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các không gian văn hóa là một nhiệm vụ mang tính chiến lược dài hạn, có kết hợp giữa bản sắc dân tộc và ngoại giao hiện đại, vừa có tính thống nhất như một hình thức nhận diện hình ảnh, vừa có tính đa dạng, sáng tạo, Đại sứ Phạm Thanh Bình chia sẻ một số định hướng mà các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc sẽ triển khai:

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, nhất là với thế hệ trẻ hai nước, về truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai Đảng, hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các thế hệ cách mạng tiền bối dày công vun đắp; phối hợp với chính quyền địa phương sở tại tổ chức thường niên các hoạt động dâng hương, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các di tích tiêu biểu. Chủ trì hoặc phối hợp tổ chức các tọa đàm, hội thảo chuyên đề về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với bối cảnh lịch sử Việt-Trung và giá trị đương đại của Người. Đẩy mạnh công tác truyền thông, xuất bản hoặc giới thiệu ấn phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xây dựng chuyên đề, bài viết về Hồ Chí Minh trên trang web, mạng xã hội; phối hợp lan tỏa các ấn phẩm bằng tiếng Trung cả bản in và bản điện tử, ưu tiên hình thức hiện đại, thẩm mỹ cao, phù hợp với thị hiếu khán giả, độc giả ở Trung Quốc.

Thứ hai, tiếp tục tích cực triển khai mô hình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại trụ sở cơ quan đại diện phù hợp với điều kiện hiện có. Không gian này có thể là tượng đài Bác, khu tưởng niệm như ở Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh hiện nay, có thể là khu trưng bày gồm sách, ảnh, phim tư liệu về Bác, hiện vật nhỏ gắn với lịch sử hoạt động của Người tại Trung Quốc... Đây không chỉ là điểm nhấn văn hóa tại cơ quan đại diện, mà còn là nơi đón tiếp, giới thiệu với đối tác sở tại, bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam, đặc biệt là sinh viên, lưu học sinh.

Thứ ba, tăng cường phối hợp với cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc để lồng ghép các hoạt động sinh hoạt cộng đồng với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Có thể tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, diễn thuyết, sáng tác văn học – nghệ thuật về Bác trong cộng đồng.

Thứ tư, trước xu thế phát triển của công nghệ số ngày nay, cần đồng thời xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trực tuyến, có thể truy cập bằng mã điện tử QR các thông tin, tệp âm thanh giới thiệu về cuộc đời, biên niên sự kiện, quá trình hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều tác phẩm kinh điển như bản Tuyên ngôn Độc lập, Di chúc của Bác Hồ, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Đường Kách mệnh; tuyển tập thơ, mẩu chuyện về Bác, các bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh… Các cơ quan có thể nghiên cứu, triển khai dần việc số hóa các tư liệu, phối hợp sản xuất video ngắn, infographics, phim tư liệu mini bằng tiếng Trung và tiếng Việt, đăng tải đều đặn trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến; thực hiện các hình thức bảo tàng, triển lãm ảo, chiếu phim điện ảnh… gắn với các dịp lễ lớn của đất nước hoặc các ngày kỷ niệm của hai nước để nâng cao hiệu quả truyền thông, lan tỏa rộng rãi và dễ tiếp cận đối với thế hệ trẻ cũng như kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới.

Thứ năm, về mặt cơ chế, rà soát, đề xuất đầu mối phối hợp giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan đại diện để xây dựng đề án, tìm nguồn kinh phí, có thể là xã hội hóa, để xây dựng, tôn tạo, bảo quản cơ sở vật chất, củng cố nội dung chuyên môn cho các không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở nước ngoài.

Là nơi Bác dừng chân lâu nhất trong suốt những năm tháng bôn ba hoạt động cách mạng ở nước ngoài, với sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ ngành, sự coi trọng của sở tại, cùng quy hoạch bài bản, tổng thể và định hướng đúng đắn, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc đang đứng trước cơ hội tạo nên một trong những “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” quy mô, ý nghĩa, tiêu biểu, phong phú và đặc sắc nhất trên thế giới./.

VOV Trung Quốc

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận