Kinh tế Thái Bình thời gian qua có sự bứt phá. GRDP quý I/2025 tăng 9,04%, cao nhất cùng kỳ giai đoạn 2020-2025 và cao hơn mức tăng GDP cả nước (6,93%). Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm ước đạt 8,36%/năm, đưa quy mô GRDP năm 2025 lên hơn 151,2 nghìn tỷ, gấp 1,7 lần năm 2020. Lĩnh vực nông nghiệp phát triển ổn định theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện có bước phát triển. Trong nhiệm kỳ, đã thành lập mới 4 khu công nghiệp (Liên Hà Thái, Hải Long, VSIP, Hưng Phú).
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương nỗ lực và những kết quả quan trọng về kinh tế-xã hội mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình đã đạt được, qua đó đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ tỉnh Thái Bình quy mô nền kinh tế nhỏ, hiệu quả, sức cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa có bứt phá, do đó phải nỗ lực khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để có giải pháp phù đột phá, tạo đòn bẩy, điểm tựa để 5 năm tới tăng trưởng bứt phá.
Về nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng đề nghị tập trung xây dựng, triển khai tốt mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, không để ảnh hưởng người dân, doanh nghiệp; ổn định tình hình nhân dân; xây dựng Trung tâm phục vụ hành chính công một cửa cấp tỉnh, cấp xã để chuyển từ trạng thái thụ động giải quyết thủ tục hành chính sang chủ động phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh Thái Bình có điều kiện để tăng trưởng số. Do đó quyết tâm, quyết liệt thúc đẩy tăng trưởng 2 con số. “Một là tình hình chính trị ổn định, nông nghiệp là một thế mạnh trong bối cảnh hiện nay. Thứ hai xây dựng các khu công nghiệp như hôm nay Khởi công khu công nghiệp thúc đẩy tăng trưởng. Thứ ba là cơ sở hạ tầng phát triển: hạ tầng y tế, giáo dục, giao thông, xã hội để thúc đẩy tăng trưởng, huy động nguồn lực để phát triển tập trung cho tăng trưởng”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Thái Bình huy động mọi nguồn lực cơ cấu lại sản phẩm, xây dựng lại thương hiệu; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm truyền thống có thế mạnh. Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Đồng thời tổ chức thực hiện quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm 4 Nghị quyết 57, 59, 66 và 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Cơ bản đồng ý về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Thái Bình, Thủ tướng yêu cầu phải có các dự án cụ thể trình Chính phủ, trong đó, đầu tư xây dựng một tuyến đường thẳng với quy mô 10 làn xe kết nối thành phố Hưng Yên với thành phố Thái Bình và kết nối với các tuyến cao tốc trong vùng.
Theo Thủ tướng cần tập trung kết nối giao thông, kết nối các nền kinh tế của Thái Bình với lại các nền kinh tế của các vùng xung quanh và kết nối quốc tế. Muốn kết nối được thì trước hết phải có kết nối giao thông. Nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu xây dựng “lấn biển”, phát triển công nghiệp, xây dựng kế hoạch, xây dựng quai đê lấn biển để mà phát triển công nghiệp khu lấn biển này; để phát triển công nghiệp, phát triển sân bay, phát triển bến cảng, phát triển hạ tầng công nghiệp khu lấn biển này”.
Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ các thủ tục hành chính rườm rà; phát triển hạ tầng chiến lược, sớm đầu tư xây dựng Bệnh viện và trường Đại học Y Thái Bình. Đồng thời chỉ đạo tỉnh phải bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra khiếu kiện phức tạp; giữ vững an ninh, an toàn, an dân. Bảo đảm an sinh xã hội, tích cực xoá nhà tạm, nhà dột nát, triển khai tích cực chương trình phát triển nhà ở xã hội; tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT./.
Lại Hoa- VOV1
Bình luận