Trong căn nhà cấp 4 giản dị ở xã An Tân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Đỡ, 74 tuổi say sưa kể về những năm tháng tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Khi đó, mới vừa tròn 17 tuổi, chàng trai trẻ Phạm Văn Đỡ nhiều lần viết đơn tình nguyện nhập ngũ, nhưng không đủ điều kiện ra mặt trận, do chỉ nặng 39kg. Quyết tâm đóng góp sức trẻ cho chiến trường Miền Nam, chàng trai quê lúa đã viết đơn xin nhập ngũ bằng chính dòng máu nóng của mình. Trước quyết tâm cao của Phạm Văn Đỡ, đơn vị nhận quân đã chấp thuận để người thanh niên bé nhỏ này được nhập ngũ, kèm theo một điều kiện, phải cải thiện thể lực mới được ra chiến trường. Sau thời gian ngắn nỗ lực tập luyện để thoả quyết tâm ra chiến trường đánh giặc, tháng 8/1970, Phạm Văn Đỡ được bổ sung vào Sư đoàn 308, Đại đoàn Quân tiên phong- đại đoàn bộ binh chủ lực đầu tiên của quân đội ta. Tháng 2/1971, đơn vị được giao nhiệm vụ đánh cao điểm 500 của địch tại Khe Sanh (Quảng Trị) đường 9 Nam Lào. Trong trận đánh này, ông Đỡ được giao nhiệm vụ trinh sát. Với bản tính nhanh nhẹn, mưu trí, ông cùng đồng đội đã tiêu diệt được 6 lô cốt cùng 36 tên ngụy- hoàn toàn làm chủ cao điểm 500.

“Sau trận đánh đó, tôi bị thương ở chân phải, sờ vào vết thương thì năm đầu ngón tay tụt vào vết thương, tôi phải lấy ống quần quấn chặt, sau đó lấy dây võng quấn thêm vào để cầm máu. Khi về đến trạm xá không thể cởi được giày, phải dùng kéo cắt giày. Vết thương bị nhiễm trùng tôi phải mổ lại lần thứ 2, song do thiếu nhiều máu, bác sĩ không dám mổ, sau khi bồi dưỡng thêm cho khoẻ mới mổ được lần 2.”- AHLLVTND Phạm Văn Đỡ kể lại.
Đóng góp sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với hàng chục vạn bộ đội trực tiếp xông pha tại các chiến trường, tỉnh Thái Bình còn có hơn 34 nghìn thanh niên xung phong tham gia phục vụ chiến đấu, mở đường, lấp hố bom, đảm bảo giao thông thông suốt, góp phần đưa hàng triệu tấn hàng hóa, vũ khí cùng những đoàn quân ra tiền tuyến, phục vụ thắng lợi trong nhiều chiến dịch. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, lực lượng thanh niên xung phong đã cùng quân và dân ta lập nên nhiều chiến công oanh liệt.
"Trong chiến trường phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn, cuộc sống của thanh niên xung phong cực kỳ gian khổ, song tinh thần phục vụ chiến đấu rất anh dũng, kiên cường. Mặc dù đạn bom, cuộc sống gian khổ, nhưng tinh thần và ý chí của anh em phục vụ chiến đấu không sợ hy sinh, không sợ gian khổ. Điều này đọng lại trong tôi về ý chí ngoan cường của lực lượng thanh niên Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước rất anh hùng và rất dũng cảm- Tinh thần chí khí của tuổi 20.”- Cựu TNXP Trần Xuân Thắng, huyện Thái Thụy khẳng định.

Dù tuổi đã cao, song cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Kiều, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hưng Hà vẫn nhớ rõ tên của từng địa danh diễn ra những trận đánh ác liệt, trong đó, ga Núi Gôi (Vụ Bản, Nam Định) là một trong những trọng điểm oanh tạc thường xuyên của máy bay Mỹ, vì đây là đầu mối tập trung hàng hóa dân sự, quân sự để chi viện cho các chiến trường miền Nam. Một trong những trận chiến ác liệt nhất là chiều ngày 20/8/1966, khi một tàu quân sự vừa tập kết xong mấy trăm tấn hàng chuẩn bị vượt cầu Ninh Bình vào Thanh Hóa-Nghệ An chi viện cho chiến trường thì bất ngờ máy bay Mỹ ập tới bắn tên lửa, thả hàng chục quả bom vào ga và đường sắt. Hàng trăm cán bộ, chiến sỹ thanh niên xung phong đã nhất loạt xông lên cùng công nhân, dân quân ứng cứu hàng hóa trong mưa bom, bão đạn của kẻ thù…
“Tàu hàng chở gạo, thuốc và súng đạn đang trên đường chi viện cho tiền tuyến miền Nam thì bị trúng bom. Một số toa bốc cháy, hàng hóa vỡ tung tóe. Chúng tôi nhanh chóng tập trung lực lượng cứu tàu, cứu hàng, vừa dập lửa, vừa bốc dỡ hàng ra khỏi các toa tàu. Mồ hôi ướt hết áo thanh niên xung phong. Một giờ sau, phần lớn hàng hóa đã được chuyển ra khu vực an toàn...”- Cựu TNXP Nguyễn Thị Kiều nhớ lại.
Máu xương và công sức của quân và dân ta trong những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ đã thể hiện ý chí của một dân tộc “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”. Thành quả của sự “bền gan, vững chí” đó là đúng 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, lá cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong ngày “đất nước trọn niềm vui” đó, một người con của tỉnh Thái Bình là Đại tá Bùi Quang Thận đã thực hiện được sứ mệnh lịch sử là cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập. 50 năm đã qua, Đại tá Bùi Quang Thận nay đã không còn nữa, nhưng trên quê hương ông, niềm tự hào về những người chiến sĩ cộng sản kiên trung vẫn được các cựu chiến binh kể lại cho con cháu.
“Đây là quê hương Đại tá Bùi Quang Thận, người cắm cờ dinh độc lập ngày 30/4/1975- Đây cũng là một vinh dự rất lớn cho cả đất nước nói chung và đối với xã Thuỵ Xuân nói riêng. Tại địa phương luôn lấy tấm gương của đồng chí Thận giáo dục cho đoàn viên, thanh niên và các thế hệ trẻ trong những đợt tuyển quân và những đợt có hoạt động lớn của đất nước, giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống của bộ đội Cụ Hồ.”- Ông Trịnh Quang Nhò, Chủ tịch Hội CCB xã Thuỵ Xuân cho biết.

Điều đáng quý là những cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ, khi trở về quê hương sau ngày đất nước giải phóng, dù mang trên mình nhiều vết thương, nhưng vẫn tích cực đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của quê hương. Ông Trần Trọng Văn, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Thái Bình cho biết: “Về với đời thường, các cựu chiến binh vẫn tiếp tục giữ vững bản chất truyền thống của quân đội nhân dân Việt Nam đó là trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới. Có những đồng chí sau khi về với đời thường, đã tham gia phát triển kinh tế và đã trở thành những doanh nhân cựu chiến binh như: Anh hùng lao động Trần Mạnh Báo, đồng chí Nguyễn Viết Thoàn thương binh nặng- đã tự học hỏi trở thành thầy thuốc ưu tú, cứu chữa cho hàng vạn người bị bỏng; đồng chí Nguyễn Quang Tiệp ở Công ty Xây dựng Tuấn Anh hàng năm đóng góp cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng tiền thuế”
“Đây là những tấm gương tư vương sống cho mọi thế hệ để học hỏi, qua những tấm gương lịch sử chúng tôi cảm thấy yêu quê hương đất nước hơn. Cứ mỗi câu chuyện kể này thì tăng thêm sức mạnh cho thế hệ trẻ.”- Ông Nguyễn Hữu Hà, Chủ tịch Hội CCB xã An Tân, Thái Thuỵ, Thái Bình chia sẻ.
Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” diễn ra sôi nổi, rộng khắp tại hậu phương lớn miền Bắc. Khởi nguồn của phong trào này là từ những nỗ lực đóng góp của tỉnh Thái Bình với năng suất lúa đạt 5 tấn/1ha, cao nhất cả nước. Cùng với việc chi viện lương thực nhiều nhất cho chiến trường, Thái Bình cũng là địa phương có tỷ lệ người đi bộ đội trong thời kỳ chống Mỹ cao nhất toàn quốc. Từ năm 1955 đến 1975, quê lúa đã tiễn 22 vạn thanh niên lên đường chiến đấu. Trong đó, hơn 34 nghìn chiến sĩ đã ngã xuống tại các chiến trường miền Nam và hai nước bạn Lào, Cam-pu-chia. Để rồi khi đất nước trọn niềm vui, quê hương 5 tấn được nhắc đến là một trong những địa phương tiêu biểu dốc sức chi viện cho chiến trường với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Đây là truyền thống đáng tự hào để Thái Bình vươn lên mạnh mẽ hơn trong kỷ nguyên mới của dân tộc./.
Văn Hải, Thuý Hằng/VOV1
Bình luận