Nghệ An sử dụng công sở sau sáp nhập hiệu quả, hạn chế lãng phí
VOV1 - Cùng với cả nước, từ ngày1/ 7/2025, chính quyền địa phương 2 cấp tại tỉnh Nghệ An đã đi vào hoạt động.

Việc sử dụng công sở sau giải thể cấp huyện, sáp nhập xã là vấn đề được địa phương này đặc biệt quan tâm, bởi việc bố trí hợp lý không chỉ giúp bộ máy vận hành hiệu lực, hiệu quả mà còn hạn chế tình trạng lãng phí tài sản nhà nước.

Xã Nghĩa Hành được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã, là Nghĩa Hành, Tân Hương và Phú Sơn của huyện Tân Kỳ cũ. Tại đây, trụ sở xã Tân Hương cũ được chọn làm trụ sở Đảng ủy, Mặt trận và đoàn thể. Trụ sở xã Nghĩa Hành cũ được chọn làm trụ sở chính quyền mới - nơi đây được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2024, nên cơ sở vật chất, trang bị khá đầy đủ, số lượng 15 phòng theo tiêu chuẩn xã cũ đáp ứng 22 nhân sự làm việc. Tuy nhiên, với chính quyền mới nhân sự từ 33 đến 35 người, nên việc dự kiến sắp xếp phòng đang được xã cân đối kỹ lưỡng. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND xã Nghĩa Hành cho biết: “Đảng bộ, Chính quyền địa phương đã cố sắp xếp để tạo điều kiện cho hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, để đi vào vận hành. Đó là cái khó khăn chung như vậy nhưng phải tập trung để chúng ta cố gắng động viên để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”

Đối với khu vực miền núi, biên giới, khi xã mới đi vào hoạt động, vấn đề vị trí địa lý, địa hình đã có những khó khăn nhất định, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Xã Mường Quàng được hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 xã Châu Thôn, Cắm Muộn và Quang Phong thuộc huyện biên giới Quế Phong cũ. Theo đó, trụ sở Đảng ủy, Mặt trận và đoàn thể đặt tại xã Châu Thôn, trụ sở chính quyền đặt tại xã Cắm Muộn. Cùng với việc bố trí sắp xếp phòng làm việc cho cán bộ công chức, xã Mường Quàng đang sử dụng trụ sở công an nằm trong khuôn viên để cải tạo làm trung tâm phục vụ hành chính công. Việc vận dụng công sở cũ bố trí cho bộ máy mới hoạt động đã đáp ứng được nhu cầu trước mắt. Ông Hoàng Trung Cường, Phó Chủ tịch xã Mường Quàng cho biết: “Chúng tôi trưng dụng trụ sở công an cũ của xã Cắm Muộn. Sắp tới đưa ra dự toán mua sắm nhằm thực hiện tốt công việc cấp bách để phục vụ nhân dân”

Về cơ bản hiện nay các địa phương ở Nghệ An đang tận dụng tất cả các trụ sở xã cũ để bố trí cho bộ máy mới hoạt động theo chức năng nhiệm vụ. Với việc ưu tiên trụ sở UBND, trụ sở hành chính công, giải quyết thủ tục hành chính được cho vị trí xã cũ là trung tâm, để thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, khó khăn nhất là các xã biên giới, như xã Tri Lễ sáp nhập từ 2 xã cũ là Tri Lễ và Nậm Nhóng. Do khoảng cách hơn 12 km và địa hình khó khăn, không thể lấy hai trụ sở nên toàn bộ 62 cán bộ công chức Đảng ủy, Mặt trận đoàn thể và chính quyền sẽ tập trung tại trụ sở xã Tri Lễ cũ với 16 phòng. Theo đó, mỗi phòng 15 m2 sẽ phải bố trí chỗ làm việc cho 7 đến 8 công chức chuyên môn. Ngoài ra sẽ có hơn 40 người phải di chuyển từ xa để đến trụ sở làm việc. Ông Lô Minh Điệp, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết, có nhiều khó khăn mang tính đặc thù đang đặt ra. Tuy nhiên, quyết tâm của cán bộ, công chức xã là sẽ vận hành chính quyền thông suốt.  “Cũng biết là khi tiếp cận nhiệm vụ mới, trụ sở còn nhiều khó khăn, thì anh em cấp ủy, chính quyền cấp xã cũng đã tổ chức gặp mặt, trao đổi với anh em cán bộ, công chức sẽ thực hiện nhiệm vụ của đơn vị là cùng nhau cố gắng khắc phục khó khăn, tập trung thực hiện nhiệm vụ”

Thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp Nghệ An giảm từ 412 đơn vị xuống còn 130 xã/phường. Điều này đặt ra bài toán sử dụng tài sản công một cách thiết thực, hiệu quả tránh lãng phí. Nhiều năm qua Nghệ An tích cực thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, gắn với tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị; kinh nghiệm cho thấy, thông qua sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Nghệ An đã tiết kiệm gần 500 tỷ đồng từ việc tăng mức tự đảm bảo chi thường xuyên trong lĩnh vực sự nghiệp y tế; giảm gần 100 tỷ đồng chi thường xuyên mỗi năm; 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện cũ thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Về kinh nghiệm trong sử dụng tài sản công, tiết kiệm, chống lãng phí khi sáp nhập, đồng chí Lê Hồng Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, tinh gọn bộ máy không chỉ dừng lại ở việc hợp nhất đầu mối, mà phải là tổ chức lại, phân bổ lại nguồn lực một cách khoa học để mang lại hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động: “Muốn hiện thực hóa các mục tiêu đó, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị đóng vai trò hết sức quan trọng. Quan điểm chỉ đạo này được đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện sâu sắc trong các bài viết: “Chống lãng phí”, “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao nhất, Nghệ An cam kết tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp cải cách bộ máy Nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.”

Mặc dù có những khó khăn bước đầu, tuy nhiên, sau khi chính thức đi vào hoạt động những khó khăn đó sẽ được điều chỉnh, khắc phục dần, để cán bộ công chức cấp xã phát huy được tinh thần trách nhiệm trong công việc, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn./.

Nhóm PV-CTV/ VOV1

Xem trên các nền tảng khác

Bình luận