Đây là thông tin được Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra tại buổi họp báo giới thiệu các nội dung cơ bản của 5 Luật do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo, vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, được tổ chức chiều nay (7/7), tại Hà Nội.
5 Luật do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo, vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, gồm: Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp Công nghệ số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Năng lượng nguyên tử.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Lê Xuân Định cho biết, đây là những đạo luật có ý nghĩa nền tảng, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong giai đoạn mới, góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu chiến lược của Đảng đưa đất nước trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

“Bộ Khoa học và Công nghệ kỳ vọng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học, và đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan báo chí, nội dung cốt lõi của năm đạo luật sẽ được lan tỏa rộng rãi. Đó sẽ là đóng góp thiết thực để đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến thực chất, xây dựng một nền khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo toàn diện và chuyển đổi số hiệu quả.”- Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.
Đáng chú ý, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (có hiệu lực từ ngày 01/10/2025) thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển, lần đầu tiên đưa đổi mới sáng tạo (ĐMST) vào luật và đặt ngang hàng với khoa học công nghệ (KHCN). ĐMST được xác định là động lực then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. ĐMST được kỳ vọng đóng góp 3% vào tăng trưởng GDP, trong khi KHCN chỉ đóng góp 1%. Luật cũng chuyển trọng tâm quản lý từ kiểm soát đầu vào sang quản lý kết quả, đánh giá hiệu quả đầu ra, cho phép tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa, được hưởng tối thiểu 30% thu nhập từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu mang lại. Các quy định này tạo động lực đổi mới, tinh thần dám nghĩ, dám làm trong nghiên cứu, nghiên cứu hướng đến kết quả thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa KHCN với phát triển kinh tế - xã hội.

"Luật KH,CN và ĐMST tiếp tục khẳng định KH,CN, ĐMST là yếu tố then chốt, là động lực phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và cuộc sống của người dân. Lần đầu tiên, Luật đưa ĐMST vào ngang hàng với KHCN. KHCN tạo ra tri thức và do các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tạo ra, còn ĐMST là toàn dân, biến tri thức thành giá trị thì đây là điểm rất mới của Luật lần này."- Ông Nguyễn Phú Hùng- Vụ trưởng Vụ Khoa học, kỹ thuật và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết./.
Bình luận